Giới Thiệu Những Bài Giáo Lý Thánh Thể Của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế Của Dòng Thánh Thể

GIỚI THIỆU NHỮNG BÀI GIÁO LÝ THÁNH THỂ CỦA ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ CỦA DÒNG THÁNH THỂ

TRÍCH TỪ TẬP SAN “TOGETHER” SỐ 90 CỦA DÒNG THÁNH THỂ

 

LỜI GIỚI THIỆU

Ngày nay, có nhiều người tìm hiểu về bí tích Thánh Thể. Bí tích này rất phong phú, sâu sắc và phức tạp đến nỗi vẫn còn tiếp tục truyền cảm hứng cho tất cả mọi người đang sống mà vẫn giữ được tính chất thánh thiêng và huyền bí. Dòng Thánh Thể cố gắng thực hiện nhu cầu này trong lối sống và sứ vụ đa dạng của Hội Dòng một cách sáng tạo và mang đầy đủ ý nghĩa, như được viết trong Luật Sống số 3 “Theo bước cha Eymard, chúng ta có sứ mệnh đáp cứu những con người đang đói khát, bằng nguồn mạch phong phú của tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ trong Thánh Thể”. Là tu sĩ Thánh Thể, chúng ta cần phải tiếp tục “đào sâu sự hiểu biết của mình về Thánh Thể, cũng như cổ vũ cử hành nhiệm tích này một cách hiệu quả theo những đòi hỏi của nhiệm tích ấy” (LS số 36).

Được thúc đẩy bởi tầm quan trọng của sứ vụ Thánh Thể này, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (ITC) của Hội Dòng đã cùng ngồi lại đối thoại với nhau (trực tiếp và trực tuyến), để thảo luận sâu hơn về việc làm sao để cho Giáo Lý Thánh Thể có thể được mở rộng ra trong các nhóm khác nhau (giáo sĩ cũng như giáo dân). Tiếp đến, Ủy Ban tiến hành mời gọi các chuyên gia của Hội Dòng thuộc các Tỉnh khác nhau để gửi các bài viết thuộc các chủ đề khác nhau về Giáo Lý Thánh Thể. Sau khi nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng từng bài viết, Ủy Ban đã chọn ra 9 bài viết (các bài viết này hài hòa với nhau và đi theo cùng một chủ đề, được tập hợp lại cho việc phát hành lần này). Việc phát hành lần này của tạp chí “Ensemble/Together” là thành quả công sức rất nhiều của cả Ủy Ban và từng tác giả, đã diễn tả sự cống hiến hết mình vào công việc chung này. Bên cạnh đó, cần lưu ý là các bài viết khác (đã nhận được) sẽ sớm được phát hành trên trang Web của Hội Dòng.

Trong bài viết đầu tiên có tựa đề “Bí Tích Thánh Thể như Một Cuộc Tưởng Niệm Biến Cố Phục Sinh của Chúa”, cha Antoine Ndong đặt bí tích Thánh Thể vào trong bối cảnh của bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái. Cũng như việc cử hành Lễ Vượt Qua hàng năm trong Kinh Thánh gợi nhớ lại những việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử, và việc giải phóng Dân được tuyển chọn trong tương lai, việc cử hành Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy sống lại mầu nhiệm Vượt Qua trong khi đợi chờ ngày Chúa trở lại trong vinh quang.

Trong bài viết thứ hai, người đọc xem thấy một cuộc thảo luận mang tính lịch sử về sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất cho tới Công đồng Vaticanô II. Trong bài phân tích này, tác giả bài viết – Cha Paul Bernier đưa ra một kết luận rất hay là: cũng như khi Chúa Giêsu đang sống trên trần gian, thậm chí ngày nay, thì Người vẫn tiếp tục ban phát lương thực cho chúng ta bằng lời và thịt và nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Người không phải là đứng yên một chỗ hay không phải đơn thuần là một sự hiện diện cụ thể cố định, nhưng là sự hiện diện của tình yêu thương tiếp diễn.

Trong bài viết thứ ba có tựa đề “Bí Tích Thánh Thể, Nguồn Mạch và Khuôn Mẫu của Sự Tự Hiến”, Cha Manuel Barbiero, với sự hỗ trợ của một vài phân tích và nghiên cứu Kinh Thánh quan trọng, trình bày cách thức mà Chúa Giêsu vào lúc đỉnh điểm đời sống của Người trao ban cho chúng ta quà tặng tổng thể của bản thân Người nơi Bí tích Thánh Thể. Nó như một tóm lược toàn bộ cuộc đời của Người, chứng thực về tất cả rằng Người đã vừa là Thiên Chúa vừa là con người.

Cha Ernest Falardeau, trong bài viết của cha với tựa đề “Việc Thờ Phượng và Bí Tích Thánh Thể” (bài viết số 4), tập trung vào những phát triển về những ý nghĩa và khía cạnh khác nhau của việc thờ phượng và mối liên hệ với Bí tích Thánh Thể, nhân đức và linh đạo Thánh Thể liên quan đặc biệt đến Thánh Phêrô Giulianô Eymard. Có khá nhiều từ ngữ như cầu nguyện, chiêm niệm, phục vụ, nhân đức, phụng vụ, các bí tích và những hành động được liên kết với nhau về bản chất trong một mối tương quan nền tảng với chính việc thờ phượng.

Cha Andres L. Taborda trong bài viết số 5 có tựa đề “Những Dấu Chỉ Giao Tiếp trong Việc Cử Hành Thánh Thể” nhấn mạnh một vài dấu chỉ, biểu tượng và mật mã được sử dụng trong Bí tích Thánh Thể mà cuộc gặp gỡ tôn giáo giữa Thiên Chúa và dân Người được diễn ra. Những mã giao tiếp này giúp cho cộng đoàn Kitô hữu, không chỉ lớn lên trong Chúa Giêsu Kitô mà còn thấu hiểu nhau hơn.

Trong bài viết số 6, Cha Noel Mayamba mở rộng Bí tích Thánh Thể trong các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt liên quan đến Cộng Hòa Dân Chủ Côngô. Theo cha, việc hội nhập văn hóa Phụng Vụ Rôma đã được đón nhận và được đưa vào cộng đồng địa phương của Côngô rất thành công, bao gồm các ngôn ngữ địa phương cùng với những diễn đạt trong âm nhạc, nghệ thuật và văn hóa. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về việc đức tin của dân tộc đã có thể diễn tả bằng một cách thức rất sáng tạo trong các văn hóa địa phương mà không có sự nhập nhằng, mâu thuẫn hay khó hiểu gì cả.

Trong bài viết số 7 của Cha Oliver Ndondo, chúng ta được mời gọi suy ngẫm về Bí tích Thánh Thể như nguồn mạch của tính trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu. Trong bài viết này, tác giả nhấn mạnh đến chiều kích mầu nhiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ và tính trách nhiệm của Kitô hữu trong việc bảo vệ công trình tạo dựng. Để kết, cha trình bày Bí tích Thánh Thể là bí tích của công trình tạo dựng, một bí tích của sự tôn kính và bảo vệ sự sống.

Hai bài viết cuối trình bày định hướng tương lai. Bài viết số 8, được viết bởi Cha John Keenan có một cái nhìn cánh chung về Bí tích Thánh Thể. Sau khi giải thích điều được tiên báo trước có nghĩa là gì, thì tác giả nói rõ rằng trong khi Bí tích Thánh Thể gợi nhớ lại tất cả công trình kỳ diệu của Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử quá khứ, cụ thể ngang qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, thì sự hiện diện của Chúa Giêsu cũng phải được cảm nghiệm trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể là sự hiện diện đích thực đồng thời hướng tới ngày Chúa Giêsu lại đến. Vì vậy, theo cha, Bí tích Thánh Thể là sự hòa trộn của ba thực tại thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong bài viết cuối cùng, Cha Paul Vũ Chí Hỷ nhìn vào Bí tích Thánh Thể như một bí tích của niềm hy vọng cánh chung. Theo cha, mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Thể, chúng ta tưởng nhớ và nhìn thấy trước Chúa Kitô là nguồn mạch, là cùng đích và là hình mẫu mà toàn thể trái đất đang trở thành hiện thực sự hiệp nhất trong “lịch sử bên trên lịch sử” giữa trời và đất, giữa người sống và kẻ chết, giữa tinh thần và thể lý, giữa cá nhân và tập thể, giữa con người và vũ trụ.

Kết luận, những bài viết này về Giáo Lý Thánh Thể giúp chúng ta nhìn vào Bí tích Thánh Thể từ nhiều góc cạnh khác nhau, khám phá ra sự phong phú của bí tích và sự liên hệ đến chúng ta trong đời sống hàng ngày. Trong khi hai bài viết đầu tiếp cận sự hiểu biết mang tính lịch sử về Bí tích Thánh Thể, 5 bài viết tiếp theo nhấn mạnh Bí tích Thánh Thể trong bối cảnh hiện tại của việc thờ phượng và sự liên hệ đến xã hội. Như được nói ở trước, giáo lý kết luận với hai bài viết về Bí tích Thánh Thể với sự nhấn mạnh cánh chung của bí tích.

Với tư cách là một Ủy Ban, chúng tôi biết ơn tất cả những người đã chung tay với chúng tôi để đưa điều này thành hiện thực, đặc biệt là nhờ những đóng góp về các bài báo, ấn bản và bản dịch. Chúng tôi cảm kích sự sẵn lòng và tận tâm làm việc để loan truyền tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả trong Bí tích Thánh Thể. Chúng tôi hy vọng rằng số báo về Giáo lý Thánh Thể này sẽ giúp ích rất nhiều cho độc giả, giúp họ hiểu sâu hơn về Bí tích Thánh Thể.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể tiếp tục hướng dẫn chúng ta trên hành trình tìm kiếm sự hiểu biết.

Lm. Justin Chawkan, SSS

Thay mặt cho Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Dòng Thánh Thể

Chuyển ngữ: Ban Dịch Thuật Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.