Bài 9 - Bí Tích Thánh Thể - Bí Tích Của Niềm Hy Vọng Ki-Tô Giáo

BÍ TÍCH THÁNH THỂ - BÍ TÍCH CỦA NIỀM HY VỌNG KI-TÔ GIÁO

Giới thiệu

Trong việc loan truyền “Chúa chịu chết” và tuyên xưng “Chúa sống lại cho tới khi Người lại đến” (1 Cr 11:26; x. Mầu Nhiệm Đức Tin trích trong Sách lễ Rôma, Thứ tự Thánh lễ), Bí tích Thánh Thể trước hết là bí tích của niềm hy vọng Ki-tô giáo.[1] Bí tích này hàm chứa trong đó việc tưởng niệm Lễ Vượt Qua của Chúa Ki-tô và mong đợi ngày Người lại đến trong vinh quang. Như đã được biết, trong Hiến Chế về Phụng vụ Thánh của Công đồng Va-ti-ca-nô II, Bí tích Thánh Thể được mô tả là “Bí tích Tình yêu, dấu chỉ của sự hiệp nhất, mối dây bác ái, Bữa Tiệc Vượt Qua trong đó Chúa Ki-tô được rước lấy, tâm trí được đổ đầy ân sủng, và lời hứa bảo đảm vinh quang mai hậu được trao ban cho chúng ta.”[2]

Do đó, Thánh Thể là khung cảnh thiêng liêng, nơi cộng đoàn Ki-tô hữu cử hành sự hiện diện thực sự của Chúa Ki-tô phục sinh và vinh quang, đồng thời là nền tảng cánh chung cũng như nền tảng cho niềm hy vọng tối hậu của bí tích này. Rõ ràng, chính niềm hy vọng nơi Chúa Ki-tô mà các Ki-tô hữu tiên khởi đã chuyên cần “lắng nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng.” (Cv: 2, 42). Ở đây có nghĩa là, trong Thánh Thể, hành động cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện trong Chúa Ki-tô, và rằng, qua Cuộc Vượt Qua của Người từ sự chết đến sự sống, và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn Ki-tô hữu thực sự chia sẻ sự sống phục sinh, tức là vinh quang của Thiên Chúa.

Hiểu theo cách này, Chúa Ki-tô vinh hiển, Đấng phải đến, đã hiệp thông với cộng đoàn Ki-tô hữu rồi. Và vì vậy, khi Người đến trong vinh quang, hiệu quả cuối cùng của Bí tích Thánh Thể sẽ là sự biểu hiện trọn vẹn của thực tại khôn tả, mà “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Người” (1 Cr 2:9; Rm 8:28). Do đó, Bí Tích Thánh Thể trở thành biểu tượng thiêng liêng của thực tại phổ quát về Triều đại Thiên Chúa mà Chúa Ki-tô đã hứa ban (Ga 15:11), đổ đầy hy vọng trên các Ki-tô hữu trong hành trình xuyên lịch sử tính của họ. Như chúng ta đọc trong Thông điệp Giáo hội từ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia) của Đức Gioan Phaolô II:

Bí tích Thánh Thể là hướng đến điểm chung kết, tiền dự vào niềm vui sung mãn mà Chúa Ki-tô đã hứa (Ga 15:11); theo một nghĩa nào đó, là sự nếm trước hương vị thiên đàng… Ai nuôi mình bằng Chúa Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể, không cần đợi một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay ở đời này, như hoa quả đầu mùa của sự viên mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể con người. Thật vậy, trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được sự bảo đảm về việc xác sống lại trong ngày sau hết…[Và] Bảo đảm về sự phục sinh trong tương lai đến từ sự kiện là thịt của Con Người, được trao ban làm của ăn, là thân xác vinh quang của Đấng Phục Sinh. Có thể nói, với Bí tích Thánh Thể, người ta như nắm được “bí quyết” của sự phục sinh.[3]

Quả thực, trong viễn cảnh này, một số câu hỏi liên quan đến các khía cạnh của niềm hy vọng: Bí tích Thánh Thể là gì trong mối liên hệ với sự hiểu biết của chúng ta về việc trở nên nhân bản trọn vẹn hơn trong mọi cuộc đấu tranh cho sự sống, tình yêu và sự thật? Liệu nó có liên quan gì đến sự tồn tại của quá nhiều áp bức, đau khổ, tan vỡ, bách hại và chết chóc trên thế giới không? Làm thế nào nó có thể được đánh giá đầy đủ hơn như một bí tích, trong đó “Chúa Ki-tô hiện diện thực sự và thực sự như thức ăn và thức uống của niềm hy vọng”[4], và được cử hành như một sự đón đợi đầy đủ hơn về bữa tiệc thiên quốc? Làm thế nào để việc chúng ta cử hành Thánh Thể như một bữa ăn chung, cởi mở, vui tươi, đầy hy vọng, và như một hy lễ, một sự tưởng niệm Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Ki-tô, kết nối với niềm hy vọng Ki-tô giáo với những ý nghĩa thực tế đối với cách chúng ta sống trong hiện tại và tương lai? Bí tích Thánh Thể có chứa đựng lời hứa ban sự sống mới cho mọi tạo vật trong nhân tính mới của Chúa Ki-tô không? Do đó, bài giáo lý này được trình bày như một nỗ lực nhằm khám phá những chiều kích đa dạng của Thánh Thể như bí tích của niềm hy vọng Ki-tô giáo.

Trước hết, chúng ta sẽ xem xét quan điểm cho rằng Bí tích Thánh Thể, như bí tích của niềm hy vọng, vừa là một tầm nhìn về tương lai, vừa là một việc cử hành của cộng đoàn Ki-tô hữu được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa Ki-tô. Và nếu Chúa Ki-tô là vinh quang tối thượng trong tương lai của chúng ta, thì điều quan trọng là chúng ta phải hiểu và biết rằng việc tụ họp tại bàn tiệc Thánh Thể xác nhận và mở rộng mối hiệp thông của chúng ta với Chúa Ki-tô, với nhau và với toàn thể vũ trụ. Vì chính trong sự hiệp thông Thánh Thể này mà niềm hy vọng được nảy sinh. Thứ hai, chúng ta sẽ nhận ra một đặc điểm thiết yếu có ý nghĩa đối với việc đánh giá lại cách thức Bí tích Thánh Thể có thể cung cấp nền tảng cho hoạt động tràn đầy niềm hy vọng Ki-tô giáo bằng cách kích thích một tầm nhìn giải phóng về những khả năng biến đổi đời sống của xã hội loài người. Và chúng ta sẽ kết thúc bằng việc nhìn nhận Bí tích Thánh Thể là quà tặng cánh chung của Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô, cho chúng ta và cho ơn cứu độ của chúng ta. “Tặng ân từ trời” được cử hành trong Bí tích Thánh Thể bao gồm lịch sử và tiến trình mang tính vũ trụ trong đó Thánh Thần Thiên Chúa đang tạo ra mọi sự khác biệt.

1. Hình thức của niềm hy vọng Thánh Thể khi Hiệp Lễ: “Thiên Chúa là tất cả của muôn vật muôn loài"

Ngay từ đầu, chúng ta cần phải làm rõ cách thức thể hiện niềm hy vọng khi Hiệp lễ. Vì cử hành Thánh Thể là việc chia sẻ sự sống và vận mệnh của nhân loại và vũ trụ, nên nó thể hiện mầu nhiệm liên kết giữa ơn cứu độ với cá nhân, giữa các cá nhân với nhau, giữa Giáo hội và vũ trụ. Về cơ bản, Rước lễ là dấu chỉ và là nguồn mạch hiệp thông hữu hiệu của việc cử hành Thánh Thể. Trong Thánh Thể, nhiều người trở nên Thân Mình của Chúa Ki-tô (1 Cr 10:17) theo cách đó Chúa Ki-tô đón nhận họ “vào trong Người” như một thân thể duy nhất của tạo vật mới. Do đó, việc tập trung vào Thánh Thể được coi là sự kiện hiệp thông, cung cấp điểm khởi đầu quan trọng cho nền nhân học canh tân, nhờ đó niềm hy vọng Ki-tô giáo được đưa vào cuộc đối thoại với những tìm kiếm đương thời về một số khía cạnh quan trọng của con người.

1.1 Chiều kích cá nhân của sự hiệp thông

Tuy nhiên, đặc điểm đầu tiên trong nền nhân học canh tân này về niềm hy vọng Thánh Thể, xuất phát từ nhận thức của chúng ta về việc làm người với tư cách là một ngôi vị. Một người có thể được định nghĩa là một chủ thể, một trung tâm cá biệt của ý thức, một con người lịch sử có chủ ý với những đặc điểm cá nhân và câu chuyện của đời mình, một người biết và được biết đến, yêu và được yêu, và tồn tại như một bản thể tự do, duy nhất và không thể có bản sao.[5] Như vậy, con người không chỉ đơn giản là người có một thân xác, nhưng một người nào đó là một thân xác.[6] Khái niệm này hình dung con người đồng thời là kết hợp của linh hồn hiện hữu và thể xác được truyền sức sống, đang sống trên thế giới với tư cách là một con người toàn diện trong mối tương quan với Chúa và tha nhân.

Do đó, cái nhìn về con người theo cách bất nhị nguyên này đưa đến sự chú tâm đến niềm hy vọng Thánh Thể để hoàn trọn đời sống mình trong sự phục sinh. Nó khác biệt ở mối tương quan bao gồm việc tìm kiếm sự toàn vẹn. Vì vậy, trong khi niềm vọng của chúng ta vào chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa trên tội lỗi, sự dữ, thì đau khổ và cái chết lại là niềm hy vọng tuyệt đối, nó  không loại trừ chiều kích của con người như bản sắc, cá tính và sự tự thể hiện chính mình. Nếu Chúa Ki-tô Phục Sinh thực sự tự hiến mình trong bí tích Thánh Thể, bí tích mà ở đó các Ki-tô hữu được nuôi dưỡng bằng sự sống vĩnh cửu của Thân xác Phục sinh của Người, thì niềm hy vọng cho sự hoàn trọn cá nhân trong sự phục sinh của  con người toàn diện và hiệp nhất là một phần không thể thiếu của niềm hy vọng Thánh Thể. Về phương diện này, toàn bộ việc cử hành Thánh Thể trở thành một điểm tiếp nhận và truyền đạt viễn cảnh về vinh quang trong tương lai vượt xa sự cứu rỗi của những linh hồn thuần khiết.[7] Đó là vinh quang trong tương lai của toàn thể nhân loại. Vì Chúa Phục Sinh, Đấng “sẽ biến đổi thân xác hèn mọn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3:21).

1.2 Chiều kích liên vị và Giáo hội tính: vấn đề liên vị trong sự hiệp thông

Dù liên quan đến tính cá vị đặc thù, bản thể và sống động, mỗi con người là một thực thể độc nhất, siêu việt, có trách nhiệm và tự do, có một cái gì đó về tính phổ quát cơ bản về chủ thể con người. Ở đây, một điểm quan trọng khác của niềm hy vọng Thánh Thể phát sinh từ việc chúng ta nhấn mạnh đến chiều kích liên vị và Giáo hội tính của nhân vị. Sự liên hệ là một đặc tính cơ bản của tất cả mọi hữu thể trên thế giới; sự hiện hữu nơi một người chỉ có được khi người ấy có sự hiệp thông với người khác.

Vì sự tồn tại của con người là một lời mời gọi tiến đến một cuộc sống hiệp thông với người khác, với bạn bè và hàng xóm gần xa, vì theo bản chất của nó, niềm hy vọng liên quan đến ý thức về sự hiệp thông. Nó khẳng định rằng sự hoàn trọn cá nhân và liên vị là không thể tách rời.[8] Chúng ta thấy ở đây, đối với quan điểm Ki-tô giáo, sẽ không thể nói về nhân cách mà không có khái niệm về sự hiệp thông.[9] Điều này là như vậy, bởi vì bản thân của niềm hy vọng chỉ có thể được coi là có ý nghĩa trong bối cảnh của chiều sâu của sự hiện hữu mới này, nghĩa là, một sự hiệp thông được thiết lập giữa người với người.[10] Ý nghĩa của niềm hy vọng Thánh Thể được nảy sinh sau chiều kích liên vị của nhân vị tính.

Và nếu đích đến của niềm hy vọng Thánh Thể là Chúa Ba Ngôi, Đấng quan hệ nhất của mọi quan hệ, thì đó nhất thiết là niềm hy vọng không phải của những cá nhân độc lập mà là của cộng đồng nhân loại, trong đó mọi người gặp nhau mà không có rào cản về chủng tộc, ngôn ngữ hoặc truyền thống văn hóa. Về sự hiệp thông Thánh Thể, niềm hy vọng còn là thái độ tích cực nơi các cộng đồng nhân loại, là sự đánh giá cao sự hiệp nhất trong đa dạng, là sự hiểu biết về thực tại tối hậu như là sự tự hiến cho nhau và hiện hữu trong nhau. Cũng giống như bánh và rượu trở thành của ăn và thức uống thực sự của nước trời, những ai khi thông dự vào Thánh Thể thì được hiệp nhất trong thân xác với sức sống của nhân loại mới trong Chúa Ki-tô, là kết quả của hành động biến đổi của Thần Khí. Vì vậy, Thánh Thể chữa lành, hoàn thiện và làm sung mãn thân mình của các Ki-tô hữu. Và đây chính là đặc tính của sự sống mà Thánh Thể được cử hành, ở đây và ngay lúc này, ngay cả khi nó chờ đợi niềm hy vọng hồng phúc, ý thức về một cộng đoàn vinh quang sắp đến.

1.3 Chiều kích vũ trụ của sự hiệp thông

Điều này đưa chúng ta đến khía cạnh thứ ba của con người, nó liên quan đến sự hiệp thông không chỉ với những người khác mà còn với toàn thể vũ trụ. Vì niềm hy vọng Thánh Thể có chiều kích vũ trụ, nên sự hoàn trọn tương lai mà con người khao khát, không thể tìm thấy ngoài sự biến đổi của thế giới mà họ bị ràng buộc trong sự sống và cái chết. Như một biến cố hiệp thông cánh chung, Thánh Thể tôn vinh sự thống nhất và liên kết của con người, trái đất và cả vũ trụ khi bánh và rượu, như những thực tại trần thế, đi vào cái riêng của chính nó với tư cách là những vật mang lấy nơi mình tương lai tối hậu của nhân loại và thiên nhiên. Ngoài ra, theo những phát minh của vũ trụ học đương đại, tất cả chúng ta đều là một phần của toàn thể vũ trụ và nhận biết mọi thứ trong vũ trụ đều có một phần nào đó liên đới với mình.[11] Không có gì nằm ngoài phạm vi của vũ trụ, tất cả được coi là “thân thể của Chúa”, bởi Ngài là nguồn gốc và là hơi thở của mọi sự tồn tại.[12]

Do đó, chúng ta hiểu rằng ơn cứu độ là việc đưa mọi tạo vật vào cộng đoàn sống yêu thương trong sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa (Ep 1:22; Pl 3:21). Trong khi tưởng niệm tình yêu bao trùm của Chúa Ki-tô, Thánh Thể nói về việc “muôn vật được tạo thành” nhờ Người, trong Người và cho Người (Cl 1:16-17; 1Cr 8:6). Kế đó, bằng cách này, ơn cứu độ của Thiên Chúa đến trên toàn thể tạo vật “chúng không bị hủy diệt, không bị hư hỏng, không thay đổi, nhưng được làm cho phong phú hơn.”[13] Chính ở đây, đặc tính mở rộng này của Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch hữu hiệu của niềm hy vọng Ki-tô giáo, nhắc nhở chúng ta về sự thiêng liêng của Tạo hóa.

Điều này cũng có nghĩa là tận thế không phải là sự hủy diệt vũ trụ, mà đúng hơn là một sự biến đổi và làm cho viên mãn, để trở nên “trời mới đất mới” (Kh 21:1). Do đó, sự huyền nhiệm của Bí tích Thánh Thể tiết lộ rằng không chỉ nhân loại, nhưng tất cả mọi thụ tạo thực sự được kết hợp trong Đức Ki-tô, và với Người, sẽ nhận được “sự tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21). Nói cách khác, toàn bộ lịch sử được “cứu độ trong niềm hy vọng” (Rm 8:24), vì Đức Ki-tô là “trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (Cl 1:15), và đó chính là quê hương cuối cùng.[14]

Ở đây niềm hy vọng Thánh Thể được canh tân như sự hiệp thông vũ trụ xuất hiện, bao trùm toàn thể tạo vật, đến độ nó được đưa vào việc tôn thờ của Thiên Chúa, Đấng sẽ là “tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28). Chúng ta đến với Thánh Thể, mang theo bánh và rượu như biểu tượng của toàn thể vũ trụ, trong đó vật chất, tinh thần, ý nghĩa của tự nhiên, lịch sử, xã hội và văn hóa thực sự liên kết với nhau, sẵn sàng được Chúa Thánh Thần biến đổi thành Mình và Máu của Chúa Ki-tô vũ trụ. Do đó, Chúa Ki-tô Thánh Thể được mạc khải như sự sống và sự qui tụ của mọi thụ tạo.[15]

2. Bí tích Thánh Thể nguồn mạch của hành động giải phóng đầy hy vọng

Do đó, làm thế nào một tầm nhìn vũ trụ về niềm hy vọng, được phân biệt với huyền thoại về sự tiến bộ của con người, có thể làm nổi bật mối liên hệ nội tại và năng động giữa việc cử hành Thánh Thể và việc thực hành giải phóng, hành động có trách nhiệm nhằm cứu rỗi thế giới? Ở đây niềm hy vọng Thánh Thể được thể hiện dưới một góc nhìn khác. Là một lễ cử hành sự hiệp nhất, hòa bình và hòa giải, Bí tích Thánh Thể mang lại ý nghĩa hữu hiệu và sức mạnh của niềm hy vọng không chỉ cho các tiến trình cá nhân, giữa các cá nhân và vũ trụ, mà còn cho cơ chế chính trị, các hệ thống xã hội mà chúng ta tạo ra và từ đó định hình chúng ta.

2.1 Ý nghĩa chính trị, xã hội giải phóng: khao khát công lý

Minh họa ấn tượng nhất về nhu cầu thiêng liêng đối với công lý và việc giải phóng những người bị áp bức là câu chuyện Xuất Hành. Do đó, câu chuyện vĩ đại về sự giải phóng khỏi ách nô lệ và hành trình vượt qua hoang địa đến đất hứa và giao ước do Thiên Chúa thiết lập đã báo trước sự giải phóng toàn thể nhân loại trong bối cảnh Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, đây không phải là một ví dụ đơn lẻ về sự quan tâm của Thiên Chúa đối với người nghèo. Các tiên tri thường nói về sự phán xét của Thiên Chúa trên những người coi việc thực hiện nghi lễ tôn giáo là yêu cầu chính mà Thiên Chúa đưa ra đối với cho con người thay vì đấu tranh vì công lý cho tất cả mọi người (Is 1:11-17; 58:4-8; Mic 3:1-3; 6:7-11)

Hoạt động cứu độ của Thiên Chúa vì lợi ích của người nghèo và người bị áp bức luôn được tiếp tục và nhấn mạnh trong Tân Ước. Chẳng hạn, xuyên suốt Tin Mừng, Chúa Giê-su, trong sứ vụ công khai của Người, được miêu tả là có lòng trắc ẩn đặc biệt đối với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người thấp hèn. Nhờ Người, niềm hy vọng cánh chung là nền tảng cho công bằng xã hội và đạo đức. Người chào đón những kẻ bị ruồng bỏ và tội lỗi trong xã hội vào đồng bàn với Người như một sự báo trước về Nước Trời, loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa. (Lc 4:18-19). Do đó, theo nhân chứng trong Kinh thánh, đức tin Ki-tô giáo luôn năng động trong các công việc của công lý và tình thương, và chúng là sự thách thức đối với những hình thức thờ phượng đích thực. Tương ứng, ở đây, đặc tính cơ bản của niềm hy vọng Thánh Thể như là hành động giải phóng có thể được hiểu theo nghĩa hiệp thông, vốn có ba nghĩa.[16]

Thứ nhất, nó liên quan đến việc giải phóng khỏi các tình huống xã hội bị áp bức và cô lập. Bí Tích Thánh Thể thể hiện và xác định một phương thức của cộng đồng nhân loại như Thân Mình Chúa Ki-tô, vì nó cử hành chiến thắng của Chúa Ki-tô trên tất cả những gì áp bức và chia rẽ; đó là chiến thắng của một trật tự mới, trong đó, các Ki-tô hữu được quy tụ lại với nhau, hiệp nhất với Đức Ki-tô trong cái chết của Người và giờ đây được sống lại để sống trong sự sống vinh hiển của Người (Rm 6:4-5). Bí tích thánh thể cho thấy trật tự mới này là niềm hy vọng cánh chung, bao gồm sự cởi mở hoàn toàn để đón nhận Triều Đại Thiên Chúa. Do đó, đối với niềm hy vọng Thánh Thể này, lối ứng xử của Ki-tô hữu phải là một đời sống nhân từ, công bằng và yêu thương tha nhân. Vì thế, tất cả các bất công, phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, chia rẽ, bóc lột và thiếu tự do đều bị loại bỏ triệt để khi chúng ta đến tham dự việc cử hành Thánh Thể, đứng quanh bàn tiệc của Chúa và bẻ “Bánh Hằng Sống”. Điều này muốn nói rằng chính Bí Tích Thánh Thể là nơi đặc biệt để phá bỏ những rào cản ngăn cách chúng ta với nhau, để có lý do hy vọng rằng những rào cản này sẽ bị phá bỏ trên thế giới.

Thứ hai, Bí tích Thánh Thể như sự giải phóng đòi hỏi sự biến đổi cá nhân và Giáo hội, qua đó, các Ki-tô hữu sống với sự tự do nội tâm trước mọi ràng buộc. Thánh Thể giải thoát họ khỏi sự sợ hãi về nỗi đau khổ và sự chết, khỏi cô đơn, ích kỷ và kiêu ngạo, để hình thành một cộng đoàn trong đó tất cả có thể chia sẻ cuộc sống với nhau, bỏ mọi sự làm của chung và sẵn sàng phục vụ người nghèo và người thiếu thốn (1 Ga 1:3, 6; 1 Cor 1:9; 2 Cor 9:13; Rm 15:26-27).

Thứ ba, Thánh Thể là bí tích giải thoát Ki-tô hữu khỏi tội lỗi trong mọi chiều kích của nó. Tội lỗi, bất cứ khi nào nó tồn tại, là một ảnh hưởng hủy diệt trong thực tại của mọi mối quan hệ, phá vỡ sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác, và do đó hoàn toàn trái ngược với bản chất của Thiên Chúa, tức là những ngôi vị trong sự hiệp thông. Nhận thức được thực tại này, Thánh Thể mạc khải cho chúng ta sự hiện diện của tội lỗi trong tính ích kỷ của chúng ta, trong mọi biểu hiện của tham vọng ích kỷ mà gây thiệt hại cho người khác, sự thờ ơ hoặc đồng lõa với bất công xã hội, đồng thời lôi kéo chúng ta hướng tới một cuộc sống mới được biến đổi nhờ tình yêu hy sinh bản thân mình trong khoảnh khắc ân sủng của sự tha thứ và hoán cải. Như vậy, sự giải thoát khỏi tội lỗi chính là cội rễ của sự giải phóng xã hội.[17] Ở đây chúng ta có thể thấy cảm giác hy vọng được nâng cao và tăng cường đáng kể như thế nào. Vì việc cử hành Thánh Thể, rước lễ, thực sự là “thời điểm hoán cải”, nghĩa là “vượt qua những xa cách, ranh giới, phân cực và giai cấp trong xã hội để trở thành một cộng đoàn sống yêu thương, thực sự cởi mở trong tình yêu và niềm hy vọng cho mọi người.”[18] Nói cách khác, mỗi cử hành hy tế của Chúa Ki-tô, được hiểu một cách đúng đắn, là kết quả của tình yêu tha thứ và sự hòa giải của Thiên Chúa; đó vừa là khoảnh khắc của sự thật, vừa là một chuyển động của sự sống và sự phát triển, một khoảnh khắc của hy vọng.

2.2 Bánh Hằng Sống là niềm hy vọng cho thế giới: sự khát khao về ý nghĩa và mục đích

Tuy nhiên, để đánh giá cao Bí tích Thánh Thể như một hành động giải phóng tràn đầy niềm hy vọng, chúng ta có thể đặt nó trong một hệ quy chiếu lớn hơn. Ở đây, chúng ta nhận thức mình đang ở trong thế giới, và chúng ta bắt đầu nghĩ về bản chất sự hiện hữu của con người dưới góc độ “đói khát”.[19] Khái niệm này cung cấp một ám chỉ ý về ý nghĩa của Thánh Thể trong mối liên đới với sự đói khát “Bánh Hằng Sống”, để tham dự trọn vẹn vào lòng mộ mến thiêng liêng. Phải chăng Bí tích Thánh Thể trong viễn cảnh này gợi lại bổn phận của chúng ta trong việc giải quyết những cơn đói khát đang thống trị thế giới, chẳng hạn như đói khát tự do và nhân phẩm, đói khát hòa bình và tình thương, đói khát ý nghĩa và mục đích của cuộc sống?

Vì Thánh Thể liên kết “Bánh Hằng Sống” (Ga 6:31-57) với “manna” Thiên Chúa ban cho dân đói khát trong hoang địa (Xh 16: 4-35), nên tấm bánh được bẻ ra và chia sẻ, giúp cộng đoàn Ki-tô hữu thoáng nhìn thấy hình bóng của một thế giới mới sắp hình thành. Ở đây, Bí tích Thánh Thể, một mặt, đề cập đến sự nuôi dưỡng thể chất và, trên một bình diện khác, ý thức về sự bất toàn của con người, khiến con người vươn tới cuộc sống mới trong sự hiệp thông và hoàn thiện không ngừng. Vì truyền thống Ki-tô giáo của chúng ta xác quyết rằng, trong việc cử hành Thánh Thể, Chúa Ki-tô tỏ mình ra cho chúng ta không chỉ trên bàn tiệc như bánh của Thiên Chúa, mà còn “trong việc bẻ bánh” (Lc 24:32, 35). Đây là hành động chia sẻ lương thực hàng ngày với người đói khát, thể hiện lòng kiếu khách với những người lạ, và qua đó mang lại cho họ niềm hy vọng. Vì vậy, trong việc cử hành Thánh Thể, chúng ta tìm thấy sự tương ứng tích cực giữa phúc lợi của con người trên trái đất và sự cứu rỗi cuối cùng trên thiên đàng, giữa tương lai lịch sử và (triều đại) cánh chung.

Tuy nhiên, thức ăn và đồ uống không chỉ là phương tiện sinh tồn hay duy trì sự sống. Chẳng hạn, trong Tân Ước, mỗi bàn tiệc hiệp thông với Chúa Giêsu, theo nghĩa rộng hơn, là một sự kiện hòa bình, giải phóng, tin cậy và hiếu khách, một dấu hiệu của sự hòa giải và một sự báo trước bữa tiệc cánh chung vào lúc chung kết của thời gian (Lc 14:15; 15:2; Mc 2:15-17; Mt 26:29). Nếu niềm hy vọng Ki-tô giáo có thể được nhìn thấy trong mối liên hệ với các hình thức hy vọng nhân bản sâu xa, thì Bí tích Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào một sự hiệp thông, mà về bản chất, là truyền giáo nhằm tìm kiếm những mối quan hệ thích hợp hơn trong đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, hướng tới một cộng đồng chia sẻ và hòa giải, chỉ ra con đường mới hướng tới hạnh phúc và viên mãn.

3. Bí tích Thánh Thể là Hồng Ân Cứu Độ của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô

Tuy nhiên, niềm hy vọng tràn đầy không thể quy giản thành “một chuyển động hướng lên từ cốt lõi của con người chúng ta”.[20] Chúng ta được hiện diện trong Thánh Thể với một niềm hy vọng vượt xa tất cả những gì chúng ta xứng đáng, đạt được hoặc thậm chí có thể tưởng tượng. Cũng như “bánh của Thiên Chúa là bánh từ trời xuống ban sự sống cho thế gian” (Ga 6:33), nó cho chúng ta biết rằng sự viên mãn trong tương lai mà chúng ta tìm kiếm là một “quà tặng từ trời cao”, tuyệt vời và không thể kể xiết. Vì vậy, thật đúng đắn khi cộng đoàn Ki-tô hữu cầu nguyện trong khi cử hành Thánh Thể: “Nước Cha trị đến”, liên lỉ cầu xin Chúa thực hiện điều này. Vậy thì theo nghĩa nào, chúng ta có thể nói rằng, trong bí tích Thánh Thể, các Ki-tô hữu mở lòng mình ra với Nước Thiên Chúa, hướng tới vinh quang tương lai? Làm thế nào để sự mong đợi này mang lại năng lượng mới cho việc vun trồng cuộc sống này với tất cả những khía cạnh thực tế của niềm hy vọng?

3.1 Như món quà của sự tự do

Về tình yêu tự hiến của Chúa Ki-tô vì ơn cứu độ của thế giới, chúng ta thấy Bí tích Thánh Thể có thể được cử hành như món quà tự do như thế nào. Trong tất cả thực tại cứu độ của mình, Bí tích Thánh Thể là món quà tự hiến nhưng không của Chúa Ki-tô, cho thấy ý nghĩa đích thực của một tình yêu được trao ban cách nhưng không (Ga 13:1). Vì Chúa Ki-tô hiện diện, trong cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người, ban ơn cứu độ cho cộng đoàn Ki-tô hữu và khả năng vươn lên một tầm mức tự do mới với tư cách là chi thể của Thân Thể vinh quang của Người (Eph 4:22-23).[21] Điều chúng ta thực sự nhận được ở đây là “sự thánh hóa và mục đích của nó là sự sống đời đời” (Rm 6:22). Do đó, trong thực tại đầy ân sủng này, Chúa Ki-tô kiện toàn chúng ta trong kế hoạch của Thiên Chúa, nâng đỡ chúng ta và, giữa mọi niềm hy vọng chưa thành toàn nơi những cuộc gặp gỡ của con người, ban cho chúng ta lời hứa về một tình yêu vĩnh cửu.

Hơn nữa, nếu tự do là sự viên mãn tối hậu của niềm hy vọng và là “điều cần thiết”,[22] thì Bí tích Thánh Thể là món quà bất ngờ nhất của tự do thiêng liêng, nối kết nó với mọi hồng ân trong mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Những hồng ân này có thể được trải nghiệm và diễn tả như sự tự do khỏi cô đơn và cô lập với các tương quan và hiệp thông, tự do khỏi bất kỳ sự khao khát nào được chia sẻ trong bàn tiệc huynh đệ, tự do khỏi tội lỗi và cảm giác tội lỗi để được cứu rỗi và hòa giải, và tự do khỏi sự sợ hãi để đặt hy vọng vào sự viên mãn về vinh quang tương lai của chúng ta, nhận thức cuối cùng về những gì tình yêu của Thiên Chúa đã hứa.[23]

3.2 Như món quà của việc ngợi khen và cảm tạ

Bằng cách này, Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta đến đặc tính quen thuộc của niềm hy vọng như một hy lễ chúc tụng và tạ ơn, đến sự trân quý tất cả các hồng ân Chúa ban. Điều đó có nghĩa là “Ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần.” Chúng ta có thể thấy được rằng ngay từ thời Giáo hội sơ khai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thánh Thể đã được hiểu như một bí tích chúc tụng và tạ ơn dưới ánh sáng của niềm hy vọng, trong đó các Ki-tô hữu tụ họp lại để cử hành và chia sẻ hồng ân cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Họ cùng đến dâng lời tạ ơn, không phải vì cảm giác mắc nợ, mà chính xác là vì họ sống trong một thế giới đầy ân sủng và phúc lành; họ trở nên sự thành toàn đã được loan báo trước trong tình yêu tự hiến của Chúa Ki-tô trong lịch sử.

Trước hồng ân Thánh Thể như vậy, không giống như việc trao tặng của con người, sự trao ban của Thiên Chúa ban tặng sự sống thiêng liêng, cách tự do và nhân từ, và chỉ vì ước muốn trao ban. Do đó, thái độ phù hợp duy nhất mà Thánh Thể có thể mang lại ý nghĩa cho các hành vi chúc tụng và tạ ơn của cộng đoàn Ki-tô hữu là sẵn sàng hiệp thông với chính sự sống và tình yêu của Thiên Chúa, cũng như tham dự vào việc chia sẻ sự sống với người khác. Đây là sự trân trọng món quà chân thật và đi bước trước của Thánh Thể. Và điều này có nghĩa là những ai tham dự vào việc cử hành Thánh Thể được lôi kéo vào lối sống của Thiên Chúa. Như Lời Tiền Tụng Chung IV diễn tả cách đúng đắn về điểm này: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời.”

Theo nghĩa này, hồng ân Thánh Thể tiếp tục gia tăng, ở bất kỳ thời điểm nào không thể đo lường được, là sự bừng sáng liên tục của tương lai. Do đó, nó không phải là một món quà khép kín, không phải được trao trả lại cho Thiên Chúa theo bất kỳ cách nào, cũng không thêm điều gì vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, mà là làm chứng cho mầu nhiệm tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô, luôn tràn đầy và rộng mở cho những điều bất ngờ. Như quà tặng chúc tụng và tạ ơn, Thánh Thể biến đổi cộng đoàn Ki-tô hữu thành nhân loại mới của Chúa Ki-tô, để đến lượt họ, trở thành bánh cho thế gian, bị bẻ ra, bị cho đi và bị tiêu hao để hướng về tương lai. Ở đây, lời khen ngợi và tạ ơn là quà tặng ân sủng của Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô, hân hoan trong chuyển động của niềm hy vọng như những dấu hiệu không thể sai lầm của một trái tim được biến đổi, như ngôn ngữ của một cộng đồng được cứu chuộc (Kh 15:3-4).[24] Vì vậy, khi cảm nghiệm Thiên Chúa là trung tâm của mọi điều xảy ra và mọi sự tốt lành, thì cuộc sống của người Ki-tô hữu thực sự trở thành một bài thánh ca ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa, một tác động của tình yêu tự nguyện mang tính phổ quát. Đó là một cách được sống với, sống trong và sống bởi niềm vui cứu độ, nghĩa là, theo một nghĩa thực tế, một sự chia sẻ thực sự vào sự sống và sự hiệp thông thiêng liêng, một điểm khởi đầu của vinh quang trong Thánh Thể.

3.3 Như hồng ân trở nên chứng nhân và để thi hành sứ vụ

Điều đáng chú ý ở đây là chúng ta lưu tâm rằng khái niệm ân sủng là một phần không thể thiếu trong niềm hy vọng Ki-tô giáo. Và nếu ân sủng chỉ được nhận theo nghĩa là cho đi, thì, theo cách tương tự, cộng đoàn Ki-tô hữu được mời gọi thể hiện chính lời hứa về vinh quang trong tương lai. Trong bí tích Thánh Thể, tình yêu tự hiến của Thiên Chúa thể hiện nơi tình yêu tự hiến của Chúa Ki-tô, và chắc chắn rằng: “Tình yêu tự hiến này của Chúa Ki-tô còn thể hiện rõ hơn nữa nhờ Chúa Thánh Thần, nó được thể hiện trong Giáo hội, đến lượt Giáo hội ban sự sống ấy, tuôn đổ tình yêu ấy từ trong chính Giáo hội, để những người khác có thể chia sẻ vào đó.”[25] Như vậy, có một dòng chảy thực sự để ân sủng Thánh Thể khai mở khả năng của nó, và lôi kéo các Ki-tô hữu hiệp thông trong chứng tá và sứ mạng của họ.

Điều này thực sự cung cấp bối cảnh cho sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa năng động của Bí Tích Thánh Thể như việc tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của Chúa Ki-tô, và được cử hành với hy vọng đạt được sự tự do tuyệt đối khỏi thực tại cụ thể của đau khổ và sự chết. Chúng ta lưu ý rằng các tác giả Tin Mừng miêu tả Đức Ki-tô với tư cách là “Con Người phải chịu đau khổ nhiều… bị chối bỏ… và bị giết… rồi sẽ vào trong vinh quang của Người” (Mc 8:31; Mt v16:21; Lc 17:25; 24:26).

Đặc biệt hơn, khía cạnh hy vọng này trở nên nổi bật khi chúng ta nhớ lại rằng bối cảnh trực tiếp của nó là Bữa Tiệc Ly của Chúa Ki-tô với các môn đệ của Người, trong đêm trước cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Chính trong bóng tối của sự phản bội và chống đối cuối cùng, bóng của Thập Giá mà Bí tích Thánh Thể đã được thiết lập và Chúa Ki-tô đã phó thách chính mình cho Thiên Chúa vì lợi ích của tất cả những ai theo Người (Mt 26:17-19; Mc 14:12-17; Lc 22,7-14). Do đó, cử hành Thánh Thể là tham dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Ki-tô. Nó giúp niềm hy vọng Ki-tô giáo đón nhận tất cả các thực tại của bóng tối và ánh sáng, bi kịch, áp bức, bách hại và biến đổi, chia sẻ sự kiên nhẫn của Thiên Chúa như những yếu tố vượt qua rõ ràng của một động thái tin tưởng tiến về phía trước, vì thời điểm hy vọng vẫn chưa đến. Ở đây, do hiệu quả quan trọng của Bí tích Thánh Thể, tức là sự hiệp thông và biến đổi của chúng ta với Chúa Ki-tô, chúng ta có thể hiểu được cuộc sống có niềm hy vọng tồn tại như thế nào bằng cách phó thác cho mầu nhiệm sáng tạo và cứu chuộc của tình yêu Thiên Chúa, và làm thế nào để chúng ta “có thể được tràn trề hy vọng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Rm 15,13). Như Thư của Phao-lô gửi cho tín hữu Rô-ma như sau:

Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.

Do đó, Mầu Nhiệm Vượt Qua về cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô trở thành dụ ngôn của niềm hy vọng Thánh Thể.[26] Trong Thánh Thể, hy tế sống động của Chúa Ki-tô trở thành tình yêu tự hiến của các chi thể trong Thân Mình Người. Bánh và rượu được dâng vào đầu nghi thức Phụng vụ Thánh Thể là những dấu chỉ bí tích chuẩn bị cho chúng ta những gì sắp xảy đến. Chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa mọi đau khổ và lời nguyện xin, tạ ơn và phó thác, các việc làm và hành động yêu thương. Ở đây chúng ta cũng dâng hiến chính mình làm của lễ sống động và thánh thiện (Rm 12:1). Đó là sự hoàn trọn của niềm hy vọng vô biên mà chúng ta nói khi “Tất cả chúng ta,… chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí. (2 Cr 3:18).

Khi cử hành Thánh Thể, cộng đoàn Ki-tô hữu được mời gọi làm chứng cho điều mà sự phục sinh của Chúa Ki-tô hứa hẹn cho tương lai của thế giới. Và niềm hy vọng, nếu nó không gây thất vọng (Rm 5:5), phải là một niềm hy vọng vượt trên cả hy vọng, tức là “hy vọng sống động” (1Pl:3), thể hiện sự kiên nhẫn đúng mức và nhắc nhở chúng ta rằng sự hỗn loạn hiện tại không phải là kết thúc của thế giới, mà là cơn đau chuyển dạ của một cuộc tái sinh để bước vào hình thức vinh quang của tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa (Rm 8:18-21). Điều này có nghĩa là niềm hy vọng Ki-tô giáo phải vượt qua thử thách trong việc chấp nhận một thái độ hiện sinh để đương đầu với nhiều khuôn mặt tuyệt vọng trong mọi nỗi thống khổ của thế giới lịch sử, và triệt để hơn vẫn là sự sẵn sàng tiếp nhận thập giá của tình yêu tự hiến, thậm chí hiến dâng chính mạng sống mình. Điều này giống như đặc tính nhịn nhục, kiên nhẫn chịu đựng trong những thời khắc nguy kịch của các vị tử đạo vĩ đại của Giáo hội và các Ki-tô hữu bị bách hại qua các thời đại (Kh 1:9; 2:2-3; 2:19; 3:30). Hãy lấy câu chuyện cuộc đời, đặc biệt là cuộc tử đạo của Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-o-ki-a làm ví dụ. Bức thư của thánh nhân gửi cho giáo đoàn Rô-ma chứng tỏ một tình yêu lớn đối với Thánh Thể và cách trình bày về niềm hy vọng Thánh Thể này đã nâng đỡ lòng can đảm cần thiết để chỉ trông cậy vào “Thiên Chúa của niềm hy vọng” (Rm 15:13) để đạt được vinh quang. Khi thánh nhân bày tỏ một cách thần bí:

Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa, và hãy để tôi bị nghiền nát bởi nanh vuốt của thú dữ, để tôi được trở thành bánh tinh tuyền của Đức Ki-tô…Hãy cầu xin Chúa Ki-tô cho tôi, để chớ gì nhờ những những cơ hội này, tôi có thể được tìm thấy một hy lễ dành cho Thiên Chúa. Nhưng khi tôi chịu đau khổ, tôi sẽ là người tự do của Chúa Giêsu, và sẽ sống lại, được giải thoát trong Ngài (Rm 4:1,2).[27]

Vì vậy, đối với thánh I-nha-xi-ô, Thánh Thể là hình thức tử đạo của ngài, “phương thuốc trường sinh bất tử, và thuốc giải độc giúp chúng ta khỏi chết.”[28] Đó là sự tham dự thực sự vào việc tự hiến của Chúa Ki-tô, hoàn toàn phù hợp với việc Người tự hiến mình cho Thiên Chúa vì sự sống của thế gian. Thánh Thể cho ta cảm nhận chân thực về ý nghĩa của sự hy sinh cũng như niềm hy vọng của chúng ta. Vì vậy, niềm hy vọng có thể tìm được nguồn nuôi dưỡng nơi Thánh Thể, trong đó tương lai tối hậu đã được tiên đoán và giúp chúng ta có thể kiên trì trong đời sống phục vụ và những đòi hỏi đắt giá của vai trò người môn đệ Chúa Ki-tô. Ở đây có niềm hy vọng thực sự cần phải học trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng ở cùng chúng ta, vì chúng ta và tham gia với chúng ta trong mọi cuộc chiến đấu của chúng ta để mang lại một thế giới công bằng và yêu thương cho toàn thể nhân loại, và cho toàn thể vòng tròn yêu thương bao bọc của Thiên Chúa (Ga 3:16).

Như vậy, trong viễn cảnh này, Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa sâu xa đối với sứ mạng của Giáo hội trong thế giới vì “đó là dấu chỉ của đại tiệc mà Thiên Chúa sẽ thết đãi” để bày tỏ mãi mãi sự chiến thắng phổ quát của ý định và mục đích cứu độ của Thiên Chúa.[29] Khi đó, những ai tham dự vào tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô sẽ ra đi được Thánh Thể biến đổi để biến đổi thế giới xung quanh bằng tình yêu mà họ đã nhận được nơi Thánh Thể, nghĩa là giả định trước “việc chấp nhận nỗ lực hàng ngày cho công lý trong tình yêu”.[30] Trong Thánh Thể, như Thánh Au-gus-ti-nô và nhiều người khác trong Truyền thống Ki-tô giáo đã khẳng định, “chúng ta trở nên những gì chúng ta cử hành và đón nhận những gì chúng ta thực sự là”.[31] Khi được thánh hiến và biến đổi nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần thành Thân Mình Chúa Ki-tô, cộng đoàn Ki-tô hữu làm chứng cho vinh quang của Thiên Chúa, và do đó, có sứ mạng hy vọng cho một thế giới đầy khó khăn và đau khổ. Một lần nữa, những lời của Geoffrey Wainwright trong cuốn Thánh Thể và Cánh Chung của ông đã chỉ ra rằng:

Nhiều vấn đề làm đen tối chân trời của thời đại chúng ta. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến nhu cầu cấp thiết phải nỗ lực vì hòa bình, đặt nền tảng cho các mối quan hệ giữa các dân tộc trên tiền đề vững chắc của công lý và tình liên đới, và bảo vệ sự sống con người từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên…loan báo cái chết của Chúa “cho đến khi Ngài đến” (1 Cr. 11:26) đòi hỏi tất cả những ai tham dự việc cử hành Thánh Thể phải cam kết thay đổi cuộc sống của họ và hoàn trọn chính mình theo cách hoàn toàn “Thánh Thể”.[32]

Do đó, cách hiểu này về Thánh Thể như việc cử hành một sự chuẩn bị tràn đầy hy vọng cho việc Chúa Ki-tô đến một cách chung cuộc và dứt khoát không chỉ giúp đưa cộng đoàn Ki-tô hữu đến việc mong đợi Nước Thiên Chúa, mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với thế giới và, tất nhiên là vì sự thánh thiện và trọn lành của mọi sự sống. Đây là đặc tính của niềm hy vọng Thánh Thể liên quan mật thiết đến việc tham gia vào lịch sử và tích cực cộng tác với Chúa Ki-tô, để toàn thể thế giới “có thể được đổi mới theo kế hoạch của Thiên Chúa và đạt tới tầm vóc viên mãn”.[33]

Kết luận

Khi đi đến kết luận, chúng ta phải thừa nhận rằng lời nói không đạt được sự thỏa đáng. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng trình bày Bí tích Thánh Thể như một sự nếm trước về sự sung mãn của ân sủng sẽ đến. Như việc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô, Bí Tích Thánh Thể mạc khải cả niềm hy vọng cho lịch sử lẫn niềm hy vọng cho vinh quang tương lai vượt ra ngoài lịch sử. Ở đây, chúng ta thực sự trở nên một với niềm mong đợi đầy hy vọng của Đức Ki-tô: “Thầy sẽ không bao giờ uống trái của cây nho, cho đến ngày đó, khi Thầy uống rượu mới, trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14:25; x. Mt 26:29; Lc 22:18).

Như vậy, một cảm thức mới về sự hiện hữu trong thế giới và sự hiệp thông được đề xuất nhằm thay đổi chân trời hy vọng. Do đó, mỗi lời cầu nguyện, mỗi hành vi chia sẻ, ăn uống cùng nhau trong Thánh Thể đều là một hình thức của niềm hy vọng Ki-tô giáo, hướng tới sự hoàn trọn trong thời gian viên mãn. Điều này muốn nói rằng Bí Tích Thánh Thể, về bản chất, là nền tảng của “tầm nhìn hy vọng” và “hy vọng-kỳ vọng” thực tại của Ki-tô giáo. Nó mở ra và tiết lộ một thế giới mới trong những thời điểm và địa điểm cụ thể, nghĩa là bài ca của sự sáng tạo, nhập thể, phục sinh và viên mãn, nhưng siêu việt trong vinh quang vượt xa mọi tạo vật.

Trong Thánh Thể, chúng ta tưởng nhớ và trông đợi Chúa Ki-tô là nguồn mạch, là mục tiêu và là khuôn mẫu của điều mà cả thế giới đang trở thành. Trong ý nghĩa này, “Thánh Lễ” được thực hiện giữa trời và đất, giữa người sống và người chết, giữa tinh thần và vật chất, giữa sự viên mãn cá nhân và cộng đoàn, giữa con người và vũ trụ, được tượng trưng trong sự biến đổi của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Ki-tô Phục Sinh. Chính niềm hy vọng Thánh Thể này biến đổi một cách có ý nghĩa nhất mọi đời sống và mang lại ý nghĩa cho hành trình xuyên suốt lịch sử của chúng ta.

Cuối cùng, cộng đoàn Ki-tô hữu được biết đến như một dân tộc của niềm hy vọng, vì nó thực chất là một cộng đoàn Thánh Thể. Do đó, những thử thách và đau khổ của chúng ta được đưa vào mầu nhiệm mà chúng ta cử hành và tất cả những gì chân, thiện, mỹ mà chúng ta đã tạo ra trong cuộc sống này sẽ là sự tham dự dứt khoát của chúng ta vào đó. Đây chắc chắn là sự hiện hữu đầy hy vọng của việc Chúa Ki-tô tự hiến mình ở giữa chúng ta vì sự sống thế gian. Chưa hết, như một món quà tuyệt đối của Thiên Chúa có khả năng biến đổi những người đón nhận nó, Thánh Thể mời gọi cộng đoàn Ki-tô hữu hãy hoạt động vì vinh quang tương lai trong hiện tại với niềm hân hoan chờ đợi, tin tưởng rằng mọi người thuộc mọi dân tộc, ngôn ngữ, lối sống và toàn bộ thụ tạo không chỉ được ban ân sủng, mà còn là tác giả của ân sủng, là chính Đức Ki-tô, món quà cứu độ của Thiên Chúa. Vì những gì chúng ta cử hành ở đây trên trái đất chỉ là sự tham dự vào tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô, và tình yêu của Người tồn tại mãi mãi, tồn tại trong niềm hy vọng trong bữa tiệc vĩnh cửu, tức là sự quy tụ cuối cùng của mọi thời đại trên núi thánh của Thiên Chúa (Is 25:6; Heb 12:18, 22-24; Mt 22:2-14; Ga 6:51, 54). Từ quan điểm này, và tất cả những gì đã được khám phá, chúng ta có thể nói, chân trời của Thánh Thể như bí tích của niềm hy vọng Ki-tô giáo thực sự mở ra trong những chiều kích đa dạng của nó.

 

    Paul Vũ Chí Hỷ, SSS

Hồ Chí Minh, Việt Nam, 16/9/2022


 

[1] Về niềm hy vọng Thánh Thể, niềm xác tín này khiến Thánh Phaolô giải thích ý nghĩa cánh chung của người Ki-tô hữu: 1 Cor 11:26; Gal 4:4; Eph 1:10; 2 Cor 5:17; Rom 6: 3-5; 1 Cor 10:11; Eph 5:14; 1 Tim 4:1; Eph 4:22; Col 3:9; Rom 8:29; Col 1:18; 1Cor 15:20; Col 3:3-4.

[2] Sacrosanctum Concilium 47, Văn kiện của Công đồng Vaticano II: Tài liệu Công đồng và Hậu Công đồng, ed. bởi Austin Flannery (New York: Nhà xuất bản Costello; Dublin: Nhà xuất bản Dominican,), 1998

[3] Xem Thông Điệp của Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia: Về Bí Tích Thánh Thể trong mối tương quan với Giáo hội (EE), (Strathfield, N.S.W: St Pauls’ Publications, 2003), trang 18-20.

[4] Tony Kelly, Tấm Bánh của Chúa: Nuôi dưỡng một cảm nếm về Thánh Thể (Liguori, Missouri: Nhà xuất bản Liguori, 2001), tr. 83.

[5] Xem John Zizioulas, Being as Communion: Studies in Personhood and the Church (London: Darton, Longman và Todd, 1985), trang 33, 47 và 49.

[6] Xem Gilbert Ostdiek, “Body of Christ, Blood of Christ,” The New Dictionary of Theology, ed. Dermot A. Lane Joseph A. Komonchak, Mary Collins (Dublin: Gill và Macmillan, 1990), tr. 141.

[7] Kelly, The Bread of God, p. 82.

[8] Xem Gabriel Marcel, Homo Viator: Introduction to a Metaphysic of Hope, E. Craufurd (New York: Harper & Row, 1966), tr. 60

[9] Xem John D. Zizioulas, trong "The Mystery of the Church in Orthodox Tradition", One in Christ, 24 (1988), p. 299. Cf.  also in his book, Being as Communion: Studies  in Personhood and the Church (London: Darton, Longman and Todd, 1985).

[10]Marcel, Homo Viator, p. 152.

[11]Xem Peter C. Phan, Responses to 101 Questions on Death and Eternal Life (New York/ Mahwah, N.J.: Paulist Press, 1997), 12-13. Peter C. Phan, "Eschatology and Ecology: The Environment in the End-Time," Dialogue & Alliance  19.2 (1995), pp. 105-106.

[12] Xem Hans Urs  von Balthasar,  The Glory of the Lord: A Theological Aesthetics I: Seeing the Form, p. 679. 

[13] François-Xavier Durrwell, The Eucharist: Presence of Christ, trans. S. Attanasio (Denville, N.J.: Dimension Book, 1974), p. 32.

[14] Xem  Anthony  Kelly,  Eschatology  and  Hope,  (Maryknoll,  New  York:  Orbis Books), 2006, p. 194

[15] Xem John D. Zizioulas, Being As Communion, p. 119.

[16] Xem Gustavo Gutierrez, A Theology of Liberation, (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1993), tr. 150. Thứ nhất, koinonia biểu thị quyền sở hữu chung đối với của cải cần thiết cho sự tồn tại trần thế. Đó là một cử chỉ bác ái cụ thể của con người. Thứ hai, koinonia chỉ sự kết hợp của các tín hữu với Chúa Ki-tô qua Bí tích Thánh Thể. Nó là một phương tiện để thông phần vào thân thể Chúa Ki-tô. Thứ ba, koinonia có nghĩa là sự kết hợp của người Ki-tô hữu với Chúa Ba Ngôi. Bản tóm tắt này được trích dẫn trong Horton Davies, Bread of Life  and  Cup  of  Joy:  Newer  Ecumenical  Perspectives  on  the  Eucharist (West Broadway, Eugene OR 97401: Wipf and Stock Publishers, 1999), trang 123-124. 130

[17] Gutierrez, A Theology of Liberation, p. 149.

[18] Kelly, Bánh của Chúa, trang 70-71.

[19] Xem Monika K. Hellwig, The Eucharist and the Hunger of the World  (Franklin, Wisconsin: Sheed & Ward, 1999), pp. 2, 9-10, 14

[20] Xem Anthony Kelly, Cánh chung học và Hy vọng, tr. 204.

[21] Xem Lumen Gentium  48,  Documents of Vatican Council II: The Conciliar and  Post  Conciliar  Documents,  ed. by  Austin  Flannery,  (New  York:  Costello Publishing; Dublin: Dominican Publications, 1998), p. 408..

[22] Xem Anthony Kelly, Eschatology and Hope, p. 205.

[23] In  the  Eucharistic  hymn,  Verbum  Supernum,  Saint  Thomas  Aquinas  gives  a summary of four freedoms, central to Christian  life: “By being born he gave us companionship.  At  Supper,  he  gave  us  food.  On  the  Cross  he  was  our  ransom. Reigning in glory he gives us reward [eternal life].” Cited in John Moloney, “The Eucharist:  Proclamation  and  Gift  of  Freedom”,  in  Eucharist  and  Freedom,  46 The International Eucharistic Congress, Wroclaw, Poland, (May, 1997).

[24] Kelly, Bánh của Chúa, trang 75-76.

[25] David N. Power,  Sacrament: The Language of God's Giving  (New York: The Crossroad Publishing Company, 1999). p. 281.

[26] Xem Kelly,  Eschatology and Hope,  p. 73. See also Dermot A. Lane, Keeping Hope Alive: Stirrings in Christian Theology  (New York, Mahwah, N.J.: Paulist Press, 1996), pp. 68-69.

[27] Xem David W. Bercot, Editor, A Dictionary of Early Christian Beliefs  (Peabody, Mass.: Hendrickson), p. 351. Xem Roch A. Kereszty, Ocist., Wedding Feast of The  Lamb:  Eucharistic  Theology  from  a  Historical,  Biblical,  and  Systematic Perspective (Chicago: Hillenbrand Books, 2004), p. 95.

[28] Xem David W. Bercot, Editor,  A Dictionary of Early Christian Beliefs, 251.  Cũng xem Roch A. Kereszty, Ocist., Wedding Feast of The Lamb: Eucharistic Theology from a Historical, Biblical, and Systematic Perspective, p. 95

[29] Geoffrey Wainwright, Eucharist and Eschatology, p. 128

[30]Gustave  Martelet, The Risen Christ and the Eucharistic World, trans. Rene Hague (New York: Seabury Press, 1976), p. 187.

[31]Xem Saint Augustine of Hippo, Sermon, 272: PL 38, 1246-1248

[32] EE 20

[33] Xem Vatican II Council, Gaudium et Spes, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World  2. See also pars. 38, 39, in  Vatican Council II: The Conciliar and  Post  Conciliar  Documents,  ed.  by  Austin  Flannery,  (New  York:  Costello Publishing; Dublin: Dominican Publications, 1998), pp. 937-938.

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.