Bài 7 - Thánh Thể Là Nguồn Mạch Trách Nhiệm Để Canh Tân Toàn Bộ Khủng Hoảng Môi Sinh

THÁNH THỂ LÀ NGUỒN MẠCH TRÁCH NHIỆM ĐỂ CANH TÂN TOÀN BỘ KHỦNG HOẢNG MÔI SINH

 

Lời giới thiệu

Toàn bộ khủng hoảng môi sinh hiện nay được nhận thấy rõ qua việc chống lại mẹ thiên nhiên và làm gia tăng vô số người nghèo trên thế giới. “Đây thật sự là một thách đố lớn nhất của nhân loại[1] bởi vì nó gây ra mối hiểm họa cho sự sống và tương lai của hành tinh.

Nếu quả thật như thế thì trách nhiệm của Ki-tô hữu trong bối cảnh này là phải làm gì? Họ có cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ công trình sáng tạo hay không? Hơn nữa, Ki-tô hữu khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật, với những hoa màu ruộng đất của công trình sáng tạo, cảm thấy thế nào về thách thức khủng hoảng sinh thái, môi sinh và việc bảo vệ công trình sáng tạo?

Đây là suy tư nhằm mục đích trả lời cho những câu hỏi này. Những phân tích trong bài viết này nhằm làm nổi bật trách nhiệm của Ki-tô hữu khi tham dự việc cử hành Thánh Thể liên hệ tới những khủng hoảng sinh thái cũng như bảo vệ công trình sáng tạo. Nghiên cứu này tập trung triển khai 3 điểm:

Chiều kích huyền nhiệm của sự hiện diện của Thiên Chúa trong Vũ trụ;

Trách nhiệm của Ki-tô hữu nhằm bảo vệ công trình sáng tạo, khởi nguồn từ Thánh Thể;

Thánh Thể, nơi tôn vinh và bảo vệ sự sống.

Một phần của phần giới thiệu này là phần kết luận sẽ kết thúc suy nghĩ của chúng ta.

1. Chiều kích huyền nhiệm của sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ

Quả thật, Thánh Thể là nguồn mạch trách nhiệm nhằm chăm sóc “ngôi nhà chung”. Tuy nhiên, không thể nói về Thánh Thể và việc chăm sóc công trình sáng tạo nếu không nhấn mạnh đến chiều kích huyền nhiệm của sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ. Thật vậy, theo Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô: “Vũ trụ mở ra trong Thiên Chúa, Đấng lấp đầy nó cách trọn vẹn. Vì thế, luôn có mầu nhiệm được tìm thấy ở nơi một chiếc lá, nơi một con đường mòn trên núi, nơi một giọt sương, nơi diện mạo của một người nghèo.”[2] Trong thông điệp về môi sinh, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô mời gọi chúng ta khám phá hành động của Thiên Chúa trong muôn loài, muôn vật, cũng như nhận ra Thiên Chúa trong tất cả mọi loài thụ tạo. Với phong cách thơ ca và sự trích dẫn tâm linh, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa có thể được phát hiện trong hơi thở của gió, tiếng nước chảy, tiếng ruồi vo ve, tiếng cửa cọt kẹt, tiếng chim hót, tiếng thở dài của người bệnh, tiếng rên rỉ của người đau khổ.[3]

Bằng cách nhấn mạnh chiều kích huyền nhiệm của công trình sáng tạo, Đức Phan-xi-cô nhìn nhận rằng có một mối liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và các loài thụ tạo. Công trình tạo dựng không chỉ còn được xem là duy tự nhiên nữa, mà còn có sự hiện diện mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng có dung mạo trong thiên nhiên. Ngài mời gọi chúng ta chiêm ngắm mẹ thiên nhiên vượt lên trên cái nhìn hữu hình để nhận ra sự hiện diện của chủ thể của công trình tạo dựng là Thiên Chúa. Các Bí tích sẽ được chiêm niệm ngang qua khía cạnh này. Theo Đức Giáo Hoàng:

Các bí tích là một cách thức ưu tuyển, trong đó, thiên nhiên được Thiên Chúa đón lấy và trở thành trung gian cho đời sống siêu nhiên. Qua diễn tiến thờ phượng trong Phụng vụ, chúng ta được mời gọi đón nhận thế giới trên một bình diện khác. Nước, dầu, lửa và các màu sắc được đón nhận với tất cả sức mạnh biểu trưng của chúng và được đưa vào phụng vụ. Bàn tay chúc lành là công cụ tình yêu của Thiên Chúa và phản ánh sự gần gũi của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đến đồng hành cùng chúng ta trên đường đời. Nước được xối trên thân xác em bé được rửa tội, là dấu chỉ của sự sống mới. Chúng ta không trốn tránh thế gian, cũng không phủ nhận thiên nhiên khi chúng ta muốn gặp gỡ Thiên Chúa”.[4]

Chính trong sự hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể, mà các bí tích là những dấu chỉ, mà tất cả thụ tạo của vũ trụ vật chất nhận thấy ý nghĩa đích thực của mình: “Con Thiên Chúa đã hội nhập vào trong con người của mình một phần của vũ trụ vật thể, nơi mà Người đưa vào một mầm mống của sự chuyển đổi dứt khoát.”[5]

Để giải thích rõ hơn vị trí của thiên nhiên trong mạc khải, Chúa Giê-su đã dùng những thực tại cụ thể. Những thực tại này được nhận thấy rõ nhất trong tiến trình thiết lập Bí tích Thánh Thể. Chúa Giê-su không những nhập thể (xem Ga 1,14), mà Người còn sử dụng những sản phẩm của thiên nhiên để thiết lập Bí tích Tình yêu của mình là Thánh Thể:

Trong Bí tích Thánh Thể, công trình tạo dựng tìm thấy ý nghĩa cao cả nhất của mình. Hồng ân hướng đến sự biểu lộ theo cách khả giác, đạt đến cách biểu lộ phi thường khi Thiên Chúa làm người, trở thành lương thực cho thụ tạo. Nơi đỉnh cao của sự Nhập Thể, Chúa muốn tiến vào sự sâu thẳm của chúng ta qua một chút vật chất. Không phải từ trên cao xuống, nhưng từ thâm sâu tiến ra, để chúng ta có thể gặp gỡ Người trong thế giới của chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, sự viên mãn đã được hiện thực; đó là trung tâm sức sống của vũ trụ, điểm xuất phát tràn đầy tình yêu và cuộc sống vô hạn. Kết hợp với Ngôi Con Nhập Thể đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.”[6]

Tiếp bước các vị tiền nhiệm đã nhấn mạnh chiều kích vũ trụ của Bí tích Thánh Thể, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thừa nhận rằng Bí tích Thánh Thể tự nó là một hành vi yêu thương vũ trụ.[7]

Để nhấn mạnh chiều kích vũ trụ của Bí tích Thánh Thể, Đức Phan-xi-cô đã mượn một ý tưởng của vị tiền nhiệm đáng mến của mình như sau:

Ngay cả khi được cử hành trên bàn thờ nhỏ trong một nhà thờ vùng quê, Bí tích Thánh Thể vẫn luôn được cử hành, theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Bí tích Thánh Thể kết hợp trời với đất, ôm trọn và thẩm thấu vào toàn thể tạo vật. Thế giới xuất phát từ bàn tay của Thiên Chúa, quay về với Ngài trong sự thờ phượng tràn đầy niềm vui và sung mãn: Trong Bánh Thánh Thể, cả sáng tạo hướng đến sự thần hóa, hướng đến tiệc thánh, hướng đến sự hiệp nhất với chính Đấng Sáng Tạo.[8]

2. Trách nhiệm của Ki-tô hữu trong việc chăm sóc công trình sáng tạo, khơi nguồn từ Bí tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể và công trình sáng tạo là hai chủ đề bổ dưỡng và làm phong phú lẫn nhau, ăn khớp cùng nhau theo cách rất chặt chẽ, soi sáng cho nhau và làm sáng tỏ lẫn nhau. Bí tích Thánh Thể là điểm tham chiếu đích thực[9] cho thần học môi sinh và cho trách nhiệm của con người đối với công trình sáng tạo. “Bí tích Thánh Thể cũng là nguồn mạch ánh sáng và động lực cho mối quan tâm của chúng ta đối với môi trường và mời gọi chúng ta trở nên những người bảo vệ tất cả công trình sáng tạo.”[10]

Việc Đức Ki-tô lựa chọn bánh và rượu làm chất thể để làm nên Bí tích Thánh Thể, mối liên hệ giữa rượu với máu và sự sống, việc nghỉ ngày Chúa Nhật và cử hành Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật có thể giúp chúng ta hiểu hoặc làm sáng tỏ trách nhiệm của người Ki-tô hữu đối với việc chăm sóc cho thụ tạo, phát xuất từ Bí tích Thánh Thể. Hình dạng Bánh Thánh Thể có nhiều ý nghĩa về mặt ngữ nghĩa. Theo từ vựng Thần học Kinh Thánh:

Bánh, một quà tặng của Thiên Chúa, thông ban cho chúng ta nguồn sức mạnh (Ps 104,14), là phương cách dưỡng nuôi hết sức thiết yếu đến nỗi thiếu bánh là thiếu mọi sự (Am 4,6; St 28, 20); Hơn nữa, trong lời cầu nguyện mà Đức Ki-tô dạy cho các môn đệ, thì bánh dường như tóm tắt tất cả những hồng ân cần thiết cho chúng ta (Lc 11,3); hơn nữa, bánh còn là dấu chỉ của những quà tặng vĩ đại nhất (Mc 14,22).[11]

Bánh là hoa trái của thiên nhiên. Bánh là nơi hiệp thông giữa con người và thần thánh. Đây cũng là lý do tại sao bánh cũng được dùng trong phụng vụ. Đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể, việc sử dụng Bánh trong phụng vụ tạo nên một khoảnh khắc cao điểm: Sau khi hóa bánh ra nhiều cùng với những cử chỉ Phụng vụ (Mt 14,19), trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su ra lệnh canh tân hành động Người biến bánh thành thân mình hy tế của Người, trở nên bí tích hiệp nhất các tín hữu (1Cr 10,16-22,23-36) và làm cho rượu nho thành máu Người.

Vì thế, khi thiết lập sự thông chia Thân Mình và sự sống của Người “thông qua Bánh”, việc xem xét những yếu tố tự nhiên đạt đến mức độ cao nhất. Nhưng trong Bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su tiến thêm một bước nữa: Ngài biến Bánh trở nên “chính Mình Ngài”. Thiên nhiên giờ đây không còn được nhìn nhận một cách đơn giản như một món quà của Thiên Chúa, theo một ý nghĩa “cho chúng ta hôm nay lương thực hằng ngày”. Nó được tuyên bố là một “thành phần” có độ dày rất cao, trong đó, “sự hiệp thông thật sự” với thần thánh được thực hiện.

Trong Bí tích Thánh Thể, thiên nhiên không chỉ là một “quà tặng”, mà qua thiên nhiên, con người đi vào bên trong mối dây thông hiệp huyền nhiệm mật thiết và sâu xa nhất với Thiên Chúa. Thông qua hình bánh và rượu, toàn bộ thiên nhiên, ngoài thực tại lý sinh, đạt tới phẩm giá trong “sự hiệp thông” với Thiên Chúa.

Bí tích Thánh Thể bao hàm một hệ sinh thái vũ trụ. Trong Bí tích Thánh Thể, bản chất, chứ không chỉ xác thịt con người, được nâng lên phẩm giá trở thành phương tiện để gặp gỡ sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa (và điều này không phải là thuyết phiếm thần). Cuộc hạnh ngộ này không xuất phát từ một mệnh lệnh của con người đối với vật chất. Như Kehl cho rằng:

Là một thực tại được Đấng Tạo Hóa ban tặng trước, thiên nhiên có giá trị cụ thể của chính nó (giống như mọi thụ tạo được Thiên Chúa phú ban cho cách hiện hữu của riêng nó), và giá trị này của chính nó, về nguyên tắc, đặt ra những giới hạn trên quyền quản lý của con người để xử lý mọi thứ. (Ngay cả khi) trong trường hợp cụ thể, luôn luôn rất khó xác định chính xác, những giới hạn này đặt ra cho con người, khi con người làm việc và sử dụng những thực tại tự nhiên có sẵn.[12]

Trong cử hành Thánh Thể, lời đọc “Đây là Mình Thầy” cũng biểu tỏ đến mầu nhiệm vô biên của “sự hiện diện hỗ tương” giữa Thiên Chúa, thế giới và con người.

Giống như bánh, rượu, thành phần thứ hai của Bí tích Thánh Thể, mang một giá trị biểu tượng to lớn, cả trong đời sống thế tục lẫn trong đời sống văn hóa. Giống như bánh, rượu là tặng phẩm từ Thiên Chúa (St 27,28). Tặng phẩm này là nguồn sức sống cho con người khi con người uống nó có chừng có mực (Hc 31,27). Rượu tượng trưng cho tất cả những gì thiện hảo trong đời sống.[13] Theo quan điểm tôn giáo, biểu tượng của rượu được đặt trong ngữ cảnh cánh chung.[14]

Đức Giê-su dùng bánh và rượu để thiết lập Bí tích Thánh Thể, rồi ủy thác việc cử hành lại cho các môn đệ của mình. Rượu hướng đến “thực tại vô cùng đẹp lòng của tình yêu Thiên Chúa”. Bây giờ, tình yêu này một mặt là điều gì thân thiết nhất nơi Thiên Chúa; mặt khác, tình yêu của Thiên Chúa là điều mang lại sự sống mạnh mẽ nhất nơi các thụ tạo và toàn thể công trình sáng tạo. Theo nghĩa này, tình yêu Thiên Chúa giống như máu mang lại sự sống cho tạo vật. Rượu ám chỉ tình yêu và tình yêu ám chỉ yếu tố trao ban sự sống mật thiết nhất, đó là máu. Cùng thể thức ấy, Đức Giê-su cầm lấy chén rượu và nói: “Đây là Máu Thầy”, nghĩa là yếu tố mang lại sự sống hiến trao tuyệt hảo nhất trong Thầy, cũng như yếu tố hiến trao sự sống tuyệt hảo nhất trong anh em.

Uống rượu đã trở thành Máu Đức Ki-tô là uống lấy phần mật thiết nhất của Thiên Chúa, tình yêu của Người. Đó là uống tình yêu của Thiên Chúa “trong Đức Giêsu” để có được sự sống và niềm vui vĩnh cửu. Đó là uống từ nguồn mạch tốt lành là chính Thiên Chúa.

Trong bối cảnh này, “sự tốt lành” tự nhiên của việc “uống rượu” là như vậy, sự tốt lành cấu tạo nên những điều nhỏ bé của tự nhiên “cùng thông dự với nhau” cho phép chúng ta hình dung ra sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa, đó là tình yêu của Ngài, từ tình yêu đó mọi loài mọi vật được dựng nên. Theo nghĩa này, sự tốt lành của các thụ tạo vốn là một trong “những hình ảnh” của sự tốt lành trong sự hiệp thông với ơn cứu độ vĩnh cửu và niềm vui viên mãn, tạo thành một mạc khải mang tính vũ trụ về sự tốt lành của Thiên Chúa. Việc khám phá thiên nhiên trong sự tốt lành của nó, trong bản chất mang lại sự sống của nó, dẫn đến chiêm ngưỡng nguồn gốc mà nó được tạo ra. Cảm nhận những yếu tố thiên nhiên làm nên hành động thiết lập Bí tích Thánh Thể hướng đến cảm thức về Thiên Chúa, cũng như hướng đến cách nhìn vào thiên nhiên trong chính sự tốt lành của chúng.

Bí tích Thánh Thể là một bài giáo lý về sự tốt lành của vạn vật vì nó phản ánh sâu sắc sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa. Trong các văn bản sáng tạo, công trình sáng tạo được trao cho chúng ta. Vì thế, đó là món quà của tình yêu chứ không phải là “con bọ cạp”,  “con rắn”, hay thậm chí là chất độc (xem Lc 11,11-12) được trao cho nhân loại.

Thần học về biểu tượng ý nghĩa của rượu trong mối liên hệ với máu và tình yêu của Thiên Chúa, soi sáng nghĩa của việc tạo dựng như một món quà sự sống thần linh, sự tốt lành của Người đối với sự sống của muôn thụ tạo. Đó là một phản ứng rõ ràng hơn của toàn bộ môi sinh đối với những mối quan tâm khác nhau của thế giới gây ra bởi tác hại do việc quản lý hệ sinh thái và các yếu tố của nó một cách tồi tệ.

Với sự phân tích ý nghĩa máu và rượu, dựa trên tầm nhìn của Đức Phan-xi-cô, Thánh Thể đặt người theo chủ nghĩa nhân văn vào tình thế tự phê phán, đặt câu hỏi về những tác hại khác nhau của tự nhiên chống lại “bản chất nguyên thủy” của nó, trong đó, dưới khía cạnh đức tin, phải là sự ưu tiên theo cái nhìn siêu nghiệm, siêu việt.

Nếu thiên nhiên là một nơi sự sống và mối tương quan của chúng ta được hình thành, thì chúng ta sẽ “kín múc sự thiện hảo thần linh”, chúng ta hiệp thông với Máu Đức Ki-tô, tức là với tình yêu của Thiên Chúa, thì vũ trụ này không nên biến thành chất độc hại chống lại con người và chống lại chính nó. Từ thần học Thánh Thể tập trung vào “Rượu”, người tín hữu có thể rút ra được động cơ để ủng hộ sứ mạng ngôn sứ lên án tất cả những tình trạng gây hại đến thiên nhiên chống lại sự sống dưới bất kỳ cấp độ nào.

3. Thánh Thể, nơi tôn vinh và bảo vệ sự sống

Bí tích Thánh Thể là lời mời gọi bảo vệ và cổ võ sự sống và công trình tạo dựng nói chung. Trách nhiệm của người Ki-tô hữu đối với việc chăm sóc công trình tạo dựng, nhất là chăm sóc sự sống, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nếu chúng ta chú ý đến lời của Chúa Giêsu: “Đây là Mình Thầy” (x Mt 26,28; Mc 14,24). Trọng tâm của cách diễn đạt mệnh lệnh “Đây là Máu Thầy” là thực tại của “Máu”. Máu mang ý nghĩa rộng cũng như hàm ý liên hệ đến trách nhiệm của Ki-tô hữu đối với sự sống.

Máu là trung tâm của sự sống và sự tồn tại của những sinh vật sống có máu. Máu duy trì và làm cho sự sống trở nên sinh động. Nó hình thành nên thực tại cụ thể mà qua đó một sinh vật sống được. Trong Kinh Thánh, máu mang ý nghĩa thánh thiêng. Làm đổ máu, dù là vật sát tế hay của con người, là thực hiện một hành động đưa người ta đi vào trong mối tương quan với thế giới khác, thế giới vô hình. Máu mang ý nghĩa thánh thiêng trong nhãn quan của Thiên Chúa. Máu làm nên giá trị mật thiết và độc nhất của hữu thể như Thiên Chúa muốn. Máu là “thứ” không thể chuyển nhượng được, nó được coi là tài sản của Thiên Chúa. Ở góc độ này, những điều sau không thể được biện minh:

Buôn người, tội phạm có tổ chức, buôn ma túy, dùng máu và da của động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng để mua bán và trao đổi, mua nội tạng của người nghèo để bán hoặc sử dụng cho mục đích thí nghiệm, hoặc từ chối trẻ em vì chúng không đáp ứng được mong ước của cha mẹ, văn hóa “vứt bỏ”, tạo ra quá nhiều chất thải.[15]

Không ai có thể chạm vào máu của người khác. “Cho đi máu của mình” là cho đi những gì thân thiết nhất mà mình có được vì sự sống còn của mình và vì lợi ích của người khác. Chúa Giê-su cho các môn đệ uống máu của Người. Chúa Giê-su mời gọi họ hiệp thông với sự sống của Người qua sự hiệp thông với Máu của Người. Chúa Giê-su mời gọi chia sẻ với Người cách bản thể và “hiện sinh” hơn những gì thân thiết nhất với Người.

Đối với Chúa Giêsu, sự sống của con người rất quý giá và thánh thiêng, đến nỗi nó xứng đáng được Người đổ máu mình ra để bảo vệ và cứu chuộc. Sự sống, trong ý nghĩa hiện tại và vĩnh cửu, xứng đáng được hưởng mọi sự vì Chúa Giêsu, thậm chí đến hy sinh đổ máu trên Thập Giá. Vì vậy, máu của Chúa Giê-su trở nên nguồn bình an cho nhân loại: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1, 19-20)[16]

Do đó, máu mang ý nghĩa thánh thiêng, thuộc về Thiên Chúa, có sự thánh thiêng. Vì là tài sản của Thiên Chúa nên mọi thứ đều cần được đầu tư để bảo vệ sự sống. Chúa Giê-su hiến trao mạng sống của Người để bảo vệ sự sống. Việc tổ chức đời sống trong xã hội phải tôn trọng huấn lệnh “chớ giết người” (Đnl 6, 17). Vì thế, sự sống (được biểu tượng bằng máu) là một yếu tố của tự nhiên, mà trong mạc khải, là đối tượng cho cái nhìn đặc biệt của Thiên Chúa. Đó là đặc tính riêng biệt mà Chúa Giê-su đặt nền tảng cho tình yêu của Người và mong muốn thay đổi xã hội.

Thánh Thể, là nơi tôn vinh sự sống, mời gọi mọi tổ chức cộng tác để bảo vệ và tôn trọng sự sống.

Theo nghĩa này, một tác động gây hại đến môi sinh sẽ làm ảnh hưởng đến sự sống, nơi người này hay người khác, là không phù hợp với ý nghĩa của sự vật như đã được dự định trong Kinh Thánh. Do đó, việc hiệp thông Thánh Thể là một tiến trình chia sẻ lời kêu gọi rằng đừng quá quan trọng việc đầu tư vào mọi thứ mà hãy đầu tư để máu của mọi người được tôn trọng. Những lời thiết lập Bí tích Thánh Thể mang theo sự hiện diện của Thiên Chúa, sự sống mà máu tượng trưng hoặc yếu tố quan trọng thiết yếu được Đấng Sáng Tạo tạo ra, nó làm nên cấu trúc thiêng liêng hiện hữu nơi con người.

Hãy Cầm lấy mà uống” có nghĩa là hãy dấn thân như Thầy để hy sinh bảo vệ sự sống, bảo vệ máu của nhau. Hãy chia sẻ sự hy sinh này mỗi ngày. Hãy làm điều này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19). Những lời của Chúa Giê-su là lời mời gọi dấn thân liên lỉ và vô tận mỗi ngày nhằm bảo vệ sự sống trên trái đất (hãy làm cuộc cách mạng phục vụ người nghèo, người bệnh, người vô gia cư) và sự sống đời đời. Việc bảo vệ sự sống này bao hàm việc tổ chức thế giới theo cách không gây hại cho sự sống mà Thiên Chúa đã “nhận thấy phù hợp”.

Hãy cầm lấy mà uống” là nguồn trách nhiệm bảo vệ người khác và công trình sáng tạo, để duy trì mối tương quan với người khác. Sự lơ là hay lãng quên nó sẽ “phá hủy mối tương quan bên trong của tôi với chính mình, với những người khác, với Thiên Chúa và với chính trái đất.”[17] Đó còn là lời kêu gọi duy trì mối tương quan tốt đẹp với người khác. Để nhấn mạnh khía cạnh này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đề cập đến cuộc trò chuyện đầy kịch tính giữa Thiên Chúa và Ca-in: “Ngươi đã làm gì vậy? Hãy lắng nghe máu của em ngươi từ dưới đất đã kêu thấu đến Ta” (St 4, 9-11).[18]

Suy gẫm về Bí tích Thánh Thể sẽ coi trọng sự sống và qua đó mời gọi ý thức trách nhiệm vốn là đặc nét của mỗi Ki-tô hữu đối với người nghèo, và tính cấp bách để củng cố sự nhận thức rằng chúng ta là “một gia đình nhân loại duy nhất.”[19] Thực tế cho thấy, suy tư này diễn ra trong động lực của việc tổ chức các dự án sinh thái và việc bảo vệ công trình sáng tạo.

Bí tích Thánh Thể không chỉ kêu gọi mọi người “lấy con người làm trung tâm” hay lấy “vũ trụ là trung tâm”, mà đúng hơn là mở ra tầm nhìn “sinh học” về hệ sinh thái.

Vì máu tượng trưng cho sự sống nên Bí tích Thánh Thể soi sáng cho mọi nỗ lực duy trì sự sống, ngay cả trong chiều kích cơ bản nhất của chúng. Do đó, trong khi thừa nhận rằng Thánh Thể, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể vào các ngày Chúa Nhật, nhấn mạnh đến chiều kích Giáo hội[20], hoặc cộng đoàn cử hành, thì cũng cần thừa nhận rằng Bí tích Thánh Thể là nguồn cam kết tận tâm của mỗi người đã được rửa tội, để bảo vệ sự sống và mọi vật. Vì vậy, người Ki-tô hữu được mời gọi quản lý tốt mọi thứ liên quan đến việc tôn trọng sự sống. Vì “cả hai khía cạnh, việc cử hành và kinh nghiệm sống đều có liên quan chặt chẽ với nhau”.[21]

Việc cử hành Thánh Thể bao hàm sứ mạng bảo vệ sự sống và công trình sáng tạo nói chung. Nhờ lãnh nhận Bánh Hằng Sống, các môn đệ của Đức Ki-tô được chuẩn bị hướng đến, nhờ sức mạnh của Đấng Phục Sinh và Thần Khí của Người, những nhiệm vụ đang đợi chờ họ trong cuộc sống đời thường. Giống như những chứng nhân của sự Phục Sinh, các Ki-tô hữu được mời gọi trong mỗi Chúa Nhật sống và loan báo sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, được mời gọi trở thành những người loan Tin Mừng và làm chứng trong cuộc sống hàng ngày của họ. Sau khi cử hành Thánh Thể, mỗi môn đệ Chúa Ki-tô trở về với môi trường sống của riêng mình cùng với bổn phận biến toàn bộ cuộc sống của mình thành một quà tặng, một hy lễ thánh thiêng làm đẹp lòng Thiên Chúa (x Rm 12,1), họ không những mang ơn anh chị em của mình về những gì đã lãnh nhận trong buổi cử hành, mà còn đối với toàn thể muôn loài thụ tạo.[22]

Việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật mang một ý nghĩa đặc biệt đối với việc chăm sóc công trình sáng tạo. Nó mang ý nghĩa cơ bản giúp người Ki-tô hữu hiểu rõ mối tương quan của mình với công trình sáng tạo. Nó canh tân sự hiểu biết của con người về việc nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật. Thánh Lễ Chúa Nhật đối với các Ki-tô hữu trở thành một lời mời gọi hướng đến “sự thanh tẩy tương quan của con người với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với thế giới.”[23]

Qua việc nghỉ ngơi và cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật, người Ki-tô hữu học cách hòa nhập vào trong cuộc sống giá trị của việc giải trí và việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Người ta khôi phục ý nghĩa đích thực của ngày Chúa Nhật, là “Ngày Phục Sinh, ngày đầu tiên của cuộc tạo dựng mới, hoa quả đầu mùa của nó là nhân tính phục sinh của Chúa, là bảo chứng cho sự biến hình cuối cùng của toàn thể thực tại được tạo dựng.”[24]

Việc cử hành Thánh Thể là lời kêu gọi mọi Ki-tô hữu đưa vào tâm trí và hành động của mình chiều kích nhận lãnh và tính nhưng không, có thể giúp họ tránh được những hoạt động trống rỗng, tránh sự đam mê ăn uống và sự cô lập của lương tâm chỉ thấy những ích lợi cá nhân. Nói cách khác, đối với các tín hữu thì ngày Chúa Nhật là ngày nghỉ ngơi để mở rộng nhãn quan cho phép chúng ta một lần nữa nhận ra quyền lợi của tha nhân. Bằng cách này, ngày nghỉ, với Thánh Thể là trung tâm, lan tỏa ánh sáng của Thánh Thể trong suốt cả tuần và khiến chúng ta nội tâm hóa việc bảo vệ thiên nhiên và người nghèo.[25]

Kết luận

Với ý nghĩa này, khủng hoảng môi sinh, thật sự là một thách thức và đòi hỏi một trường đào tạo cho trách nhiệm này.

Không nghi ngờ gì nữa, Thánh Thể là trung tâm của vũ trụ và là nguồn trách nhiệm vô tận đối với việc bảo vệ và thăng tiến sự sống và toàn thể công trình sáng tạo. Trong Thánh Thể, những lời như: “Đây là Mình Thầy” và “Đây là Máu Thầy” cũng chỉ ra về mầu nhiệm vô tận của “sự hiện diện hỗ tương” giữa Thiên Chúa, thế giới và con người, là nguồn mạch của sự dấn thân cho mọi Ki-tô hữu.

Như một lời kêu gọi và một điểm quy chiếu thực sự cho trách nhiệm của người Ki-tô hữu đối với việc chăm sóc công trình sáng tạo, làm cho việc bảo vệ sự sống trở nên cấp bách hơn, “Thánh Thể cũng là nguồn ánh sáng và động lực cho sự quan tâm của chúng ta đối với môi trường, và nó mời gọi chúng ta trở thành những người bảo vệ muôn loài muôn vật.”[26]

 

 Olivier Ndondo, SSS

Rome, Italy, 2/11/2022

Bản dịch từ tiếng pháp


 

[1] Aurélien Barrau, Le plus grand défi de l’histoire de l’humanité. Face à la catastrophe écologique et sociale, Neuilly-sur-Seine 2019.

[2] Francis, Laudato Si’ (LS), Encyclical letter (2015), 233.

[3] Cf. LS, 233.

[4] LS, 233.

[5] LS 235

[6] LS 236

[7] LS 237

[8] LS 236

[9] By repository we mean a structured set of information or a reference system related to a field of knowledge, for the purpose of a practice or a study, and in which there are elements of definitions, solutions, practice or other related subjects of this field of knowledge.

[10] LS 236

[11] Xavier Léon-Dufour (dir.), Vocabulaire de Théologie Biblique, Paris 1970, p.875.

[12] Medard Kehl, « Et Dieu vit que cela était bon ». Une théologie de la création, Paris 2008, 493.

[13] Friendship (Sir 9:10), human love (Song of Songs 1:4; 4:10), joy (Zech 10:7; Judith 12:13). It can also evoke the unhealthy intoxication of idolatrous cults (Jer 51: 7; Rev 18: 3) as well as the happiness of the disciple of wisdom (Prov 9: 2).

[14] Cf. Am 5:11; Mi 6:15; Is 51:17; Am 9:14; Hos 2:24; Mk 2:22; Jn 2:10; Mt 9:17; Mt 26:39). This cup that he asks his disciples to drink (Jn 6:53-56) is a food of eternal life and a pledge of eternal glory. However, before drinking the new wine in the Kingdom of the Father, the Christian will be nourished, throughout the days, by the wine that has become the blood shed of the Lord at the Eucharist (Cf. 1 Cor 10:16).

[15] LS 123

[16] LS 100

[17] LS 70

[18] LS 70

[19] LS 52

[20] John Paul II, Dies Domini (DD), Apostolic letter, (1998), 34.

[21] DD 40

[22] DD 45

[23] LS 237

[24] LS 237

[25] LS 236

[26] LS 236

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.