Bài 1: Bí Tích Thánh Thể - Cuộc Tưởng Niệm Biến Cố Phục Sinh Của Chúa

BÍ TÍCH THÁNH THỂ - CUỘC TƯỞNG NIỆM BIẾN CỐ PHỤC SINH CỦA CHÚA                                                                                                     

Dẫn Nhập

Lễ Vượt Qua là một trong những lễ hội ý nghĩa và nổi tiếng nhất trong năm của người Do Thái. Thực chất, vào buổi chiều tối của ngày thứ 14 trong tháng Nissan, lúc trăng tròn, thì dân Israen sát tế Chiên Vượt Qua và lấy máu bôi lên song cửa sổ và cửa ra vào (cửa chính) là nơi ăn chiên ở đó, được chứng thực ở chương 12 của sách Xuất Hành. Cách thức tiếp cận của chúng tôi là khởi đi từ việc cử hành Lễ Vượt Qua của người Do Thái cho đến Lễ Phục Sinh Kitô giáo. Và từ đó, chúng tôi sẽ trình bày mối dây liên kết giữa Lễ Vượt Qua của Do Thái và Lễ Phục Sinh Kitô giáo, một sự kiện duy nhất của ơn cứu độ nhân loại.

1. Việc Tưởng Niệm của dân Do Thái

Đối với người Do Thái, việc tưởng nhớ là một bằng chứng thánh thiêng mà Thiên Chúa đã ban cho dân Người. Dân tộc được kêu gọi phải gìn giữ việc làm này như một kho báu thiêng liêng nhất. Cuối cùng, việc tưởng nhớ này hàm ý tính tiếp diễn, tính vĩnh cửu huyền nhiệm của những hành động thánh thiêng vĩ đại được tưởng niệm ở những ngày đại lễ[1]. Quả thật, như một sự tái hiện trong hiện tại một sự kiện nhờ vào một dấu chỉ cụ thể, theo học giả Servigny thì việc tưởng nhớ có ba đặc điểm chính. Cụ thể là:

  • Nó là một dấu chỉ của hiện tại để hiện thực hóa một sự kiện trong quá khứ.
  • Nó là một bằng chứng về sự trung tín của Thiên Chúa đối với những lời hứa của Người.
  • Nó dẫn chúng ta đến một tương lai tốt đẹp hơn[2].

Vì vậy, việc cử hành cuộc tưởng niệm biến cố Phục Sinh này phải được lặp lại hàng năm. Và vì mục đích này, có lời chép rằng:

Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này. Đó là luật quy định cho đến muôn đời. Các ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Bánh Không Men, vì vào chính ngày đó, Ta đã đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải giữ tục lệ mừng ngày lễ ấy; đó là điều luật vĩnh cửu. (Xh 12,14.17)

Do đó, dân Israen có nhiệm vụ giữ việc tưởng niệm về ngày này và cử hành từ đời này đến đời khác. Tuy nhiên, vì Lễ Vượt Qua này là một tập tục, nên Đức Chúa đã nói cho ông Mô-sê và ông A-ha-ron rằng: Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron: “Đây là quy định về chiên lễ Vượt Qua: không người dân ngoại nào được ăn. Chỉ ngoại trừ, mọi nô lệ mua bằng tiền đã được ngươi cắt bì, thì được ăn” (x. Xh 12,43.44). Việc tưởng niệm cho phép những ai cử hành trở thành một phần trong sự kiện đang được cử hành.

Hơn nữa, như lời Louis Bouyer nói: đó là nền tảng của một lời cầu xin chắc chắn, đến nỗi hiệu lực vô tận của Lời đã làm cho những điều kỳ diệu của Thiên Chúa ở trong quá khứ có thể đổi mới chúng và cùng đưa đến trong hiện tại. Đây là lý do tại sao trong lễ tưởng niệm, người ta sẽ luôn lặp lại lời này: “Lạy Chúa, xin nhớ đến chúng con.”[3]

Chính Đức Chúa đã đề nghị điều này khi phán rằng: “Trong ngày ấy, ngươi sẽ kể lại cho con của ngươi rằng: ‘Sở dĩ như vậy là vì những gì Đức Chúa đã làm cho cha khi cha ra khỏi Ai-cập.’” (x. Xh 13,8). Vì vậy, ngoài trách nhiệm ghi nhớ sự việc ra khỏi Ai Cập, còn có nghĩa vụ kể lại những việc làm kỳ diệu của Đức Chúa vào buổi tối của lệnh truyền (của bữa ăn Lễ Vượt Qua). Việc giải phóng khỏi Ai Cập, việc tiến vào và định cư ở vùng đất hứa là các giai đoạn của cùng một quá trình.

Việc cử hành Lễ Vượt Qua hàng năm này là cách thức để mỗi người Do Thái nhận thức được rằng họ hiện đang được tham dự vào đời sống và sứ mệnh của dân được giải phóng. Từ đó, họ còn chờ đợi trong hy vọng đối với việc hoàn tất viên mãn cuối cùng của sự giải thoát này[4]. Đây là lý do tại sao mỗi người Israen phải coi mình như đã ra khỏi Ai Cập và được giải thoát khỏi ách nô lệ. Người đó phải nhớ rằng mình đã được giải thoát khỏi sự trói buộc. Người ấy phải tiếp tục cộng tác vào công cuộc cứu chuộc và chính yếu của Thiên Chúa[5]. Đó là lý do tại sao tác giả thánh vịnh nói: “Hồi tưởng lại bao ngày xa cũ, tâm hồn ấp ủ những năm xưa, suốt canh khuya, trong dạ nhủ thầm, và suy gẫm, trí lòng con tự hỏi.” (x. Tv 77,6-7). Và Max Thurian nhấn mạnh điều này khi ông nói rằng: “việc tưởng nhớ, do đó, trở thành một hình thức hy tế cao hơn, hy tế hiệp nhất hoàn toàn với Lời Chúa và lòng biết ơn mà nó khơi lên để đáp lại.”[6]

Thật vậy, qua việc tưởng niệm, mỗi người Do Thái ý thức được hiện tại của mình hòa nhập vào sự sống và sứ mệnh của dân tộc và dự đoán trong lời cầu nguyện đầy hy vọng đối với kết cục của sứ mệnh này. Với việc cử hành lễ tưởng niệm, dân Do Thái nắm trong tay hai đầu của chuỗi lịch sử của họ:

- Người đó tham dự với lòng biết ơn trong các sự kiện mà từ đó Thiên Chúa đã khai sinh ra dân tộc và sứ mệnh của họ, đưa họ từ kiếp nô lệ đến sự tự do.

- Người đó cử hành trong hy vọng về sự kết thúc tốt đẹp của sứ mệnh này, sứ mệnh mà chính họ phải nhanh chóng hoàn thành trong phận vụ của mình[7].

Việc tưởng niệm của dân Do Thái không chỉ bao gồm việc giải phóng dân ra khỏi Ai Cập mà còn bao gồm tất cả các sự kiện liên quan được thuật lại trong Ngũ Thư như:

- Hành động giải phóng của Thiên Chúa thay cho dân Người.

- Trao ban Lề Luật tại núi Sinai.

- Trao ban đất hứa tựa như thiên đường mới.[8]

Đó là cách thức để những người Do Thái tham dự với lòng biết ơn vào các sự kiện mà qua đó Thiên Chúa đã khai sinh ra dân tộc và sứ mệnh của họ để đi từ nô lệ sang tự do. Do đó, Thiên Chúa phán:

Mai ngày khi con anh (em) hỏi anh (em) rằng: “Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà Đức Chúa, Thiên Chúa, đã truyền cho chúng ta?” Anh (em) sẽ trả lời cho con anh (em): “Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pharaô bên Ai Cập, nhưng Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai Cập. Trước mắt chúng ta, Đức Chúa đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ lớn lao và khủng khiếp, phạt Ai Cập, phạt Pharaô và tất cả triều đình vua ấy. Còn chúng ta, Người đã đưa ra khỏi đó, để dẫn chúng ta vào và ban cho chúng ta đất Người đã thề hứa với cha ông chúng ta.” (x. Đnl 6,20-23). Đây là lý do tại sao qua việc tưởng niệm, dân nhìn thấy những điều kỳ diệu của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, và nhận ra trong đó dấu chỉ rõ ràng về tính hiện thực vĩnh cửu, và theo một cách thức cụ thể, về sự hoàn tất cánh chung.

Việc tưởng niệm dưới nhãn quan của dân tộc có ý nghĩa lớn lao trong việc đào sâu và bồi đắp về lịch sử, tôn giáo, xã hội và đời sống gia đình. Nó không chỉ là một sự kiện cử hành nghi lễ thiết yếu của các hiến tế nhất định, mà còn là điều mang lại ý nghĩa cùng đích cho bất kỳ sự hiến tế nào. Đó là một định chế, do Thiên Chúa thiết lập, do Người ban cho và áp dụng cho dân của Người, để duy trì luôn mãi những can thiệp cứu độ của Người. Việc tưởng niệm không chỉ bảo đảm một cách chủ quan cho các tín hữu về hiệu quả lâu dài, mà trước hết, nó bảo đảm cho họ về hiệu quả này như một lời hứa mà họ có thể và phải đệ trình lên Ngài, một lời hứa về lòng trung thành của chính mình.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng việc đọc kỹ Thánh Kinh cho phép chúng ta khám phá ra vị trí quan trọng mà lễ tưởng niệm Phục Sinh có liên quan trong Cựu Ước.

Thật vậy, trong suốt lịch sử cứu độ, Thiên Chúa nhớ lại Giao ước và những lời hứa của Người. Và về phần mình, dân được tuyển chọn luôn được mời gọi ghi nhớ những việc làm tốt đẹp và những kỳ công của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua của người Do Thái là cuộc tưởng niệm sự giải thoát mà Thiên Chúa đã cứu gỡ dân Người khỏi ách nô lệ của Pharaô. Bữa tiệc Vượt Qua là việc tưởng niệm để chứng nhận một thực tại chắc chắn cho dân Israen về những việc làm của Chúa.[9]

Qua ông Môsê, Thiên Chúa đã truyền cho dân Israen mỗi năm hãy kỷ niệm việc họ được giải thoát khỏi Ai Cập bằng một nghi lễ đặc biệt bằng cách chỉ ăn bánh không men trong bảy ngày (x. Xh 12,15). Việc hiến tế con chiên là một việc tưởng niệm đức tin của người dân và máu con chiên là một lời nhắc nhở về việc thiên thần hủy diệt đã cứu dân Israen khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Hy tế chiên Vượt Qua ám chỉ đến con đầu lòng và qua chúng mà nói đến toàn thể dân tộc và toàn thể tạo vật.[10] Thật vậy, việc tưởng niệm trong Cựu Ước không phải là một sự tưởng nhớ đơn thuần về các biến cố đã qua, mà là sự hiện thực hóa các kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong quá khứ và sẽ được hoàn thành trọn vẹn chủ yếu trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.

2. Việc Tưởng Nhớ của Kitô hữu

Bản văn của thư Thánh Phaolô là tài liệu cổ nhất về việc cử hành Thánh Thể. Bản văn cho chúng ta biết: Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (x. 1Cr 11,23-25).

Giáo hội, trung thành với Chúa của mình, được mời gọi lặp lại tất cả những cử chỉ và lời nói mà Chúa Giêsu đã hoàn thành và tuyên bố trong Bữa Tiệc Ly. Khi cử hành Thánh Thể, Giáo hội ý thức rằng Chúa Kitô luôn hiện diện, luôn sống động trong thân mình của Người. Giáo hội không ngừng làm mới hy tế thập giá. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Giáo hội ý thức rằng Chúa Kitô luôn hiện diện và luôn sống giữa lòng Giáo hội. Với việc cử hành Thánh Thể, Giáo hội không ngừng canh tân mầu nhiệm thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa và chờ đợi Người trở lại trong vinh quang.

Việc cử hành Thánh Thể không phải là sự tưởng nhớ đơn giản về quá khứ mà là sự hiện thực hóa cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Khi cử hành Thánh Thể, mỗi tín hữu phải xác tín rằng chính hôm nay Chúa Kitô đã chết và sống lại cho mình và cho sự cứu độ toàn thể nhân loại.

Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa được hiện thực hóa qua kinh nguyện và qua việc cử hành phụng vụ trong đời sống của người Kitô hữu và phóng chiếu đời sống ấy hướng tới ngày Chúa trở lại vinh quang. Do đó, phụng vụ Thánh Thể là việc tưởng niệm về các mầu nhiệm của ơn cứu độ được Chúa Kitô hoàn thành như được trình bày cho chúng ta trong các sách Tin Mừng. Việc tưởng niệm này không phải là việc tưởng nhớ đơn thuần về quá khứ, mà là sự hiện thực hóa nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần tác động qua đức tin và đức mến.

Việc hiện thực hóa này gieo vào lòng tín hữu hạt giống của sự sống mới và nuôi dưỡng nó để nó phát triển trong tâm hồn và trong hành động với tình huynh đệ. Như một lễ tưởng niệm, Bí tích Thánh Thể một cách nào đó được đức tin hướng tới sự trở lại của Chúa Kitô với thái độ tỉnh thức trong cầu nguyện và trong hành động, sự tỉnh thức nhằm duy trì sức mạnh của việc hiện thực hóa thông qua nhận thức rằng Chúa hiện diện với chúng ta qua Thần Khí của Người, qua ân sủng, qua Lời và các bí tích của Người.[11]

Việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua cho phép Giáo hội hiện thực hóa mầu nhiệm sự chết của Chúa Kitô và cũng để chủ động bước vào Giao Ước Mới. Như thế, Giáo hội trình bày ý nghĩa số phận con người đã được hòa giải với Thiên Chúa và làm cho ý nghĩa đó hiện diện trong cộng đoàn đang cử hành mầu nhiệm.[12]

Việc tưởng niệm Kitô giáo, được thực hiện bởi sự hồi tưởng Mình bị bẻ ra và Máu được đổ ra, được thực hiện nơi tấm bánh và chén rượu, là một thực tại khách quan, đồng thời, hiện thực hóa cho chúng ta hồng ân cứu độ, và trên nền tảng đó trình bày Thiên Chúa cho chúng ta để chúng ta tin chắc rằng Người sẽ vui lòng. Đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, là chủ nhân của lịch sử, là Đấng đã can thiệp như một chủ thể chủ động vào việc mở ra lịch sử của chúng ta.

Việc tưởng niệm là một lời cam kết mang tính biểu tượng, được ban cho bởi Ngôi Lời để hoàn thành trong lịch sử những kỳ công của Thiên Chúa, một cam kết về sự hiện diện liên tục của những kỳ công đó, luôn hoạt động trong chúng ta và cho chúng ta là những người nắm bắt được điều đó bằng đức tin. Trong Giao Ước cũ, Lễ Vượt Qua vẫn hiện diện trong mỗi cuộc cử hành được đổi mới của nó, bởi vì việc Thiên Chúa ngự xuống và can thiệp, gìn giữ dân để giải thoát họ khỏi sự dại dột và cái chết, đã được tiếp tục ở đó, nhằm hoàn thiện dân này.[13]

Nhờ việc tưởng niệm mà Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô được hiện thực hóa và

tồn tại mãi trong lịch sử cho đến ngày Ngài trở lại trong vinh quang. Nó cho phép Lễ Vượt Qua của người Kitô giáo được đặt trong sự kéo dài của Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Giống như Lễ Vượt Qua của người Do Thái là việc tưởng niệm Lễ Vượt Qua lịch sử của cuộc xuất hành, Lễ Vượt Qua của Kitô giáo là việc tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, nghĩa là cuộc vượt qua của Người từ thế gian này về với Cha của Người.[14]

Lễ Vượt Qua của Giao Ước Cũ được hoàn tất nơi sự Phục Sinh của Chúa Kitô: bánh và chén Thánh Thể là việc tưởng nhớ đến Chúa Kitô.[15] Mầu nhiệm cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là hình thức tưởng niệm loan báo biến cố nguồn gốc của Kitô giáo. Chúa Giêsu đã biến bữa tiệc Thánh Thể thành việc tưởng niệm mầu nhiệm thập giá. Cùng với Người, nhờ Người, tạ ơn vì thân xác tan nát và máu Người đổ ra đã được ban cho chúng ta như là bản chất của Nước Trời, chúng ta dâng lên Thiên Chúa mầu nhiệm này giờ đây đã được hoàn tất bởi Đầu của chúng ta (là Chúa Giêsu Kitô), để mầu nhiệm này có thể đạt đến sự viên mãn tối hậu trong toàn bộ thân mình Người.[16]

Việc tưởng niệm Kitô giáo vừa mang tính tiên tri vừa mang tính tôn giáo ở chỗ nó phóng chiếu chúng ta vào chiều kích cánh chung và liên kết chúng ta với quá khứ, nghĩa là với biến cố của quá khứ, đó là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến. (1Cr 11,26). Việc tưởng niệm cho phép Giáo hội công bố một cách hữu hiệu và hiệu quả công cuộc cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện.

Yếu tố nền tảng của bí tích Thánh Thể Kitô giáo được tìm thấy trong Bữa Tiệc Ly: Thật vậy, trong đêm bị trao nộp Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi nói với các môn đệ: Hãy cầm lấy mà ăn vì này là Mình Thầy, rồi cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn và nói với các ông: hãy cầm lấy mà uống vì này là chén Giao Ước bằng máu của Thầy, rồi Người truyền lệnh cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Người. Qua hành động này, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta làm theo, đó là bí tích Thánh Thể: vâng lệnh Chúa Kitô, chúng ta làm điều chính Người đã làm.[17]

 Cuối cùng, chúng ta có thể nói rằng việc tưởng niệm Kitô giáo là một sự vâng phục trong đức tin lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Có ba yếu tố chính:

- Dấu chỉ Thánh Thể được ban trong Bữa Tiệc Ly, là bí tích của sự hy sinh.

- Thực tại của Giao ước trong máu Người là hành động được Chúa Kitô thực hiện trên thập giá.

- Đây là ân sủng được tặng ban cho đến khi Chúa lại đến.[18]

Khi cử hành Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta khám phá quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, không phải là sức mạnh đàn áp và thống trị, mà là sức mạnh của tình yêu không để cho bất cứ tấn công của sự ác nào khuất phục được. Khi cử hành việc tưởng niệm Thánh Thể, nhớ lại Giao ước của Người, Thiên Chúa yêu cầu con người cũng hãy làm như vậy. Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm sự Phục Sinh của Chúa, được hiện thực hóa qua lời cầu nguyện và cử hành phụng vụ trong đời sống Kitô hữu và phóng chiếu hướng tới ngày Chúa trở lại trong vinh quang.

Phụng vụ Thánh Thể là việc tưởng niệm mầu nhiệm cứu độ được Chúa Kitô hoàn tất như được trình bày cho chúng ta trong các Tin Mừng. Bí tích Thánh Thể là cuộc tưởng niệm Phục sinh của Chúa vừa mang tính ngôn sứ vừa mang tính tôn giáo vì bí tích này phóng chiếu chúng ta vào tương lai và liên kết chúng ta với quá khứ, nghĩa là cuộc khổ nạn - cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết Cho tới khi Chúa đến.” (1 Cr 11,26). Thông qua việc tưởng niệm Thánh Thể, Giáo hội loan truyền cách hữu hiệu công trình cứu độ do Chúa Kitô hoàn tất.

Việc cử hành Thánh Thể là sự vâng phục trong đức tin đối với mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Lễ Vượt Qua của Giao Ước Cũ là việc tưởng niệm cuộc vượt qua từ ách nô lệ đến tự do, trong khi lễ Vượt Qua của Giao Ước Mới là việc tưởng niệm cuộc vượt qua của Chúa từ thế gian này về với Chúa Cha, là cuộc chiến thắng của sự sống trên sự chết.

Việc tưởng niệm Lễ Vượt Qua của người Do Thái làm cho các vị khách sống lại kinh nghiệm giải thoát khỏi Ai Cập và loan báo cuộc giải phóng cuối cùng và chắc chắn vào Nước Trời. Chúa Giêsu khắc sâu việc cử hành Lễ Vượt Qua này bằng chính mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Người – đó là cái chết và sự phục sinh.

Với việc cử hành Lễ Vượt Qua của Giao Ước Cũ, dân được tuyển chọn chờ đợi sự giải thoát trọn vẹn, trong khi với Lễ Vượt Qua của Giao Ước Mới, Giáo hội được mời gọi sống lại mầu nhiệm Vượt Qua trong khi chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang.

Việc tưởng niệm Thánh Thể là sự đáp trả của tình yêu, lòng tạ ơn và sự vâng phục trong đức tin. Và từ sự tuân phục trong đức tin này dẫn đến việc hiện thực hóa trọn vẹn hy tế Thánh Thể của Chúa Giêsu, vốn dành cho tất cả những ai hiệp lễ được thông hiệp vào nguồn mạch của sự tự hiến cho Chúa Cha và cho anh chị em của mình, đến độ tự hiến trọn vẹn và dứt khoát.

                                                                                            Lm. Antoine Ndong, SSS


 

[1] X. Bouyer L., Eucharistie. Theology and Spirituality of the Eucharistic Prayer, Ed. Desclée Paris 1963, tr. 88.

[2] De Servigny G., La théologie de l’Eucharistie dans le concile Vatican II, Ed. Téqui, Paris 2000, tr. 67.

[3] X. Bouyer L., Eucharistie. Theology and Spirituality of the Eucharistic Prayer, Ed. Desclée Paris 1963, tr. 88.

[4] X. Michel-Jean Ch., La Pâque du Christ et la nôtre: l’Eucharistie, Ed. Cerf, Paris 1981, tr. 26.

[5] X. Messner R., "The Liturgy of the Word during Mass: The Anamnesis of Christ Staged" in The House of God 1 (2005) 93-109, tr. 95.

[6] Thurian M., L’eucharistie, mémorial du Seigneur, sacrifice d’action de grâce et d’intercession, Deschaux, Neuchatel 1959, cité par L. Bouyer. Eucharistie. Théologie et spiritualité de la prière eucharistique, Ed. Desclée, Paris 1963, tr. 88.

[7] Michel-Jean Ch., La Pâque du Christ et la nôtre: l’Eucharistie, Ed. Cerf, Paris 1981, tr. 27.

[8] Messner, tr. 97.

[9] Bouyer, tr. 499

[10] Ratzinger J., The Spirit of the Liturgy, Ad Solem, Ed. Geneva, 2001, tr. 33.

[11] Servais Th. P., La prière chrétienne, Ed. Universitaire, Fribourg, 1989, tr. 84.

[12] Tihon P., "Theology of the Eucharistic Prayer" in Assembly of the Lord. Second series n°1 (1968), 33-93, tr 93.

[13] Bouyer, tr. 452.

[14] Cantalamessa R., Le mystère pascal, Ed. Salvator, Paris 2000, tr. 79.

[15] Bouyer, tr. 450.

[16] Bouyer, tr. 449.

[17] Mazza E., L’action eucharistique, Ed. Cerf, Paris 2005, tr. 13.

[18] De Servigny, tr. 70.

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.