Thánh Thể Và Hy Vọng Tương Lai

Thánh Thể Và Hy Vọng Tương Lai

 

Trong Thánh lễ sau lời truyền phép, toàn thể cộng đoàn đã tuyên xưng “Con tuyên xưng Chúa đã chịu chết, con tuyên xưng Ngài đã sống lại. Trong vinh quang mai Ngài lại đến, đón chúng con lên trời về với Chúa Cha” như lời thánh Phaolô viết trong thư I Corintô 11:26 “tuyên xưng sự chết của Chúa cho tới khi Ngài lại đến”.

Trong Thánh Thể, chúng ta thấy qúa khứ hiện tại và tương lai như luyến quyện lấy nhau: chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết và phục sinh quang vinh của Chúa. Chúa đã đến trần gian, đã chết một lần hơn hai ngàn năm trước, nhưng Ngài lại hiện diện sống động trong và giữa cộng đoàn Kitô hữu chúng ta. Ngài hiến tặng chúng ta chính mình máu Ngài qua Bánh và Rượu mà Ngài biến thành Thánh Thể, cho mọi loài thọ tạo được thành toàn trong Thiên Chúa (I Cor 15:28). Niềm hy vọng cho chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn, được thành tựu trong Chúa Kitô “Quả vậy, mọi lời hứa của Thiên Chúa, đều ‘thành tựu’ nơi Ngài. Vì thế cũng nhờ Ngài mà chúng ta hô lên ‘Amen’ để tôn vinh Thiên Chúa” (II Cor 1:20). Hiểu theo chiếu kích trên thì Thánh Thể chính là sự thành tòan tương lai của từng người nói riêng và của hoàn vũ nói chung.

Câu chuyện của bà cụ Do Thái tên Sarah Cohen tại bệnh viện ở Strokie bang Illionois Hoa Kỳ nhắc nhớ chúng ta tới sức mạnh chúng ta có thể kín múc từ Thánh Thể Chúa như bà Sarah đã tìm được sức mạnh của ánh đèn ngày Sabbat mà bà đã từng thắp lên hàng ngày trong cuộc đời của bà.

Cô Marsha Arons kể: Một hôm như thường lệ vào chiều Thứ Sáu hàng tuần, tôi vào thăm bệnh viện, mang theo những giá đèn điện cho những bệnh nhân người Do Thái mượn đặt ở đầu giường như những ngọn nến thật mà họ thắp lên. Tôi gặp bà Sarah yếu liệt trên giường bệnh, bà thều thào “trong đời tôi chưa bao giờ bỏ xót thắp lên ngọn nến trong ngày Sabbat, xin bà hãy để giá đèn điện ở đầu giường của tôi, chỗ tôi có thể với tay bật đèn sáng như thắp nên một ngọn lửa cho ngày Sabbat ngày mai!” Bà còn nói tiếp: “Tôi hy vọng tôi sẽ gặp được các cháu của tôi lần cuối cùng trước khi tôi gĩa từ cuộc đời!”

Tôi vui vẻ đặt trên đầu giường của bà một chân đèn điện nhỏ. Lúc vừa bước ra thì tôi gặp một cô gái trẻ trạc tuổi 20 bước vào... Tôi nghe bà Sarah mừng vui la lên: “Ồ Malka, bà mừng được gặp cháu. Thế còn Đavid đâu?”

Sáng Chúa Nhật tôi trở lại nhà thương để thu lại những chân đèn điện. Malka gặp tôi và nài nỉ: “Chị ơi, chị có thể để cho em mượn chân đèn thêm vài giờ nữa được không? Em Đavid đang trên đường từ Israel tới đây thăm bà em... Đối với bà em, ngày Sabbat luôn là ngày vui, ngày tốt. Bà em muốn ra đi vào cuộc sống vĩnh hằng cùng Thiên Chúa vào ngày Sabbat! Em muốn ngọn đèn điện luôn cháy sáng để bà em tưởng là ngày Sabbat, cho bà có đủ sức chờ gặp Đavid, em của em lần cuối cùng! ”

Tôi nhận lời và tối Chúa Nhật lúc trở lại nhà thương, tôi thấy giường bệnh đã được thay đổi, đèn điện đã tắt... và nghe tiếng Malka dồn dập nói: “Em cám ơn chị, Đavid đã tới kịp lúc bà nội em qua đời. Đavid đã mừng vui báo tin cho bà em là bà sắp có chắt nội, vì bà xã của Đavid mới có thai. Bà em mỉm cười và gĩa từ cuộc đời!”

HY VỌNG GIỮA CHÁN CHƯỜNG

Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể giữa lúc tăm tối cuộc đời Chúa. Khi mà các môn đệ, những người chính Ngài đã tuyển chọn, huấn luyện thế mà một kẻ đã bội phản, bán Thầy; một kẻ đã chối Thầy và còn những người khác thì trốn chạy... Thế mà để hoàn tất tôn ý của Chúa Cha cao cả, Chúa đã qui tụ các ông lại, chia sẻ tâm tình Thầy trò, cúi xuống rửa chân, nêu gương phục vụ cho các ông... rồi Chúa truyền phép, lập Bí tích Thánh Thể làm Bánh và Rượu thành Thịt Máu Ngài làm của ăn nuôi dưỡng các ông và để các ông được hòa nhập nên một với Ngài cũng như Ngài nên một với các ông. Thật không còn một nghĩa cử nào hoàn hảo, tốt đẹp hơn nữa để diễn tả và nói lên hết nghĩa yêu thương.

Những thảm cảnh của cơn sóng thần Tsunami cuối năm 2004 như còn tươi rói sống động trong đầu óc chúng ta.

Tờ báo ở Port Blair ở India ngày 4/1/2005 kể một em bé gái Ấ Độ sống sót sau 4 ngày giữa rừng. Em may mắn bám vào được một cây dừa và trôi dạt vào rừng lúc cơn sóng cuốn trọn mọi người thân yêu trong gia đình em khi cơn sóng thần càn quyét những hải đảo Andaman và Nicobar.

Dân biểu Manoranjan Bakhta cho hay “cô bé run rẩy, ní nhí vài lời và rồi nín câm!” khi ông giúp cô bé đoàn tụ cùng với ông bà của cô, những người cũng may mắn sống sót và bị trôi dạt tới một hòn đảo khác.

Một cô học sinh khác tên là Almesh Javed, thuộc bộ lạc Nicobarese đã vượt khu rừng già rậm rạp trở về sau khi tận mắt cô nhìn thấy ba mẹ cùng em gái của mình bị sóng thần nuốt trửng tại ngôi nhà trên đảo Nancowry.

Chúng ta hản đã xem thấy trên TV hay báo chí những hình ảnh hàng trăm ngàn xác chết được tìm kiếm và để hàng hàng lớp lớp cho người thân kiếm tìm hay được các xe xúc đất hốt đổ xuống các hố chôn tập thể hay được hỏa thiêu... Trong những thảm cảnh cùng cực đó chúng ta mới thấy sức mạnh bản năng nới những người còn sống sót vẫn vươn lên để tự tồn...

NIỀM HY VỌNG CHO HOÀN VŨ

Trong Thánh Thể, Đức Kitô  được coi là của ăn của uống của niềm hy vọng. Ngài chính là tụ điểm mà cả vũ hoàn hướng tới, thánh Tông đồ Phaolô và Gioan đã từng diễn tả qua các là thư của các ngài “Trong Ngài và nhờ Ngài mà mọi loài thụ tạo được tạo thành” (Phúc âm Gioan 1:3; I Cor:6; Colossê 1:16)... Ngài chính là khởi thủy và cùng tận đúng như lời Thánh Tông đồ Phaolô nói trong thư gừi tín hữu thành Colossê 1:17-19 “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại nơi Người... Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người.” Trong Thánh Thể chúng ta cũng nhận chân một thực tại về diện mạo của Đức Kitô: một đàng Chúa Giêsu là Thiên Chúa (Gioan 1:1-2) mà mọi tạo vật hiện hữu nhờ Ngài (Gioan 1:3); mặt khác Chúa đã nhập thể làm người sống giữa chúng ta (Gioan 1:14), Ngài đã bị treo trên cây Thập Tự hầu kéo toàn thể vũ hoàn lên (Gioan 12:32).

Mọi sinh hoạt của Giáo Hội mang chiều kích bí tích và trải qua mọi thời Giáo Hội là người mang Chúa Kitô, chứng tá cho Chúa. Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của mọi phụng vụ bí tích của Giáo Hội mà Hiến Chế “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” số 45 tóm gọn như sau:

Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, đã nhập thể; là con người hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và kết thâu vạn vật nơi Người. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của mọi tâm hồn và đáp ứng mọi niềm khao khát. Chính Người là Đấng Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Được sống động và tụ họp trong Thánh thần Ngài, chúng ta đang hành trình hướng về chung cuộc của lịch sử nhân loại, phù hợp với ý định yêu thương của Ngài: “kết thâu tất cả trong Chúa Kitô: mọi sự trên trời dưới đất” (Ephesô 1:10)

Dưới nhãn quan ấy khi chúng ta cử hành Thánh Thể, bánh rượu là tinh hoa từ ruộng vườn do lao công con người làm ra được biến đổi thành Mình Máu Chúa nghĩa là qua Thánh Thể toàn thể vũ hoàn được thánh hóa...

NẾM HƯỞNG PHÚC TRƯỜNG SINH

Rước Thánh Thể là chúng ta được cảm nếm một thực tại vô hình đang tới đó là cuộc sống vĩnh hằng mà Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Do thái viết: “Qủa thật, những kẻ đã một lần được chiếu sáng, đã được nếm thử ân huệ bởi trời, đã được thông chia Thánh thần, đã được thưởng thức Lời tốt đẹp của Thiên Chúa và được nếm cảm sức mạnh của thế giới tương lai” (Do Thái 6:4-5).

Trong bài ca Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô chúng ta hát lên tâm tình của lời rao giảng của Đức Kitô trong bài giảng Tám Mối Phúc Thật, là những câu song đối tương phản nhưng mang lại hạnh phúc viên miễn mà trần gian không trao ban được. Lời kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô mà chúng ta thường hát: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Trong Thánh Thể Chúa chúng ta bắt gặp và cảm nghiệm được niềm vui viên miễn nước trời mai hậu.

Câu chuyện sau đây được linh mục Anthony De Melo thuật lại thật là ý vị cho điều chúng ta vừa đề cập tới ở trên:

Ngày 10/1/1938, một chuyến xe lửa tốc hành từ Bắc xuôi Nam ở Colombia Nam Mỹ, bị trật đường rầy. Trong số những nạn nhân đang quằn quại đau đớn có cha Phénice, thuộc Dòng Thánh Gioan. Ngài bị thương nặng và một phần ruột bị lòi ra... Thế mà khi các bác sĩ y tá tới săn sóc cho cha, cha ra hiệu cho họ giúp đỡ các nạn nhân khác còn cha tự nhét ruột vào, băng lấy rồi lết tới các nạn nhân mà ban bí tích giải tội cho họ... Cuối cùng chính cha bị kiệt sức và tắt hơi thở cuối cùng! Trong hơi thở thều thào cha tạ ơn Chúa “Tạ ơn Cha đã cho con cơ hội để giúp đỡ anh chị em đồng loại của con cho tới giây phút cuối đời!”

Chắc hẳn chúng ta cũng không quên gương hy sinh của linh mục Mychal F. Judge, O.F.M., thuộc Dòng Phanxicô trong biến cố 9/11/2001 khi tháp đôi của tòa nhà Thương Mại New York bị bọn khủng bố tấn công làm xụp đổ với cả hơn ba ngàn người chết. Khi ai cũng cố chạy thoát thân thì cha Mike lại lăn xả vào để cứu giúp các nạn nhân, xức dầu cử hành bí tích cuối cùng cho họ và ngài đã bị chết! Cái chết của Ngài làm bừng lên sức sống mới trường cửu cho nhiều người và cho chính cha nữa.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.