Sống Sứ Điệp Lòng Thương Xót Là Sống Bí Tích Thánh Thể

Sống Sứ Điệp Lòng Thương Xót Là Sống Bí Tích Thánh Thể

“Misericordiae Vultus” (Dung mạo thương xót). Đó là tựa đề của tông sắc mà Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành cho Năm Thánh đặc biệt về lòng Chúa thương xót.

Đức Thánh Cha nói rằng:

- lòng thương xót là “con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta”;

- lòng thương xót là “luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi người”;

- lòng thương xót là “xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội”; “là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lòng thương xót “không phải là một dấu chỉ sự yếu nhược, nhưng đúng hơn là phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa”. Trong Chúa Giêsu, “tất cả đều nói về lòng thương xót và không gì bị thiếu sự cảm thương”, vì “con người của Chúa Giêsu không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban nhưng không”.

Mặt khác, Công Đồng Vaticanô II gọi Bí Tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (Lumen Gentium số 11). Nhờ Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta được kết hợp mật thiết với Đức Kitô, và càng ngày càng trở nên giống Người. Vì thế, Sống Thánh Thể thật là cần thiết cho việc lớn lên và phát triển đời sống thiêng liêng. Mọi bàn luận về lòng thương xót cần bao gồm Bí Tích Thánh Thể vì cả hai là một. Lòng thương xót là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể. Hay nói đúng hơn, sống sứ điệp lòng thương xót là sống Bí Tích Thánh Thể.

Chúa muốn chúng ta không những chỉ rước Thánh Thể, mà còn muốn chúng ta sống Thánh Thể. Sống Thánh Thể có nghĩa là để cho Chúa Giêsu ngự vào từng tế bào của thân thể chúng ta và để ân sủng Người biến đổi toàn diện con người chúng ta. Nhờ thế chúng ta trở thành biểu tượng của tình yêu cao vời của Người giữa thế gian.

Trước hết, sống Bí Tích Thánh Thể là quy chiếu tất cả về Chúa, làm tất cả mọi sự trong đời để tôn vinh Chúa. “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cor 10, 31)…

Thánh Thể là mầu nhiệm để sống, mà sống Thánh Thể là để những tia sáng thương xót từ Thánh Thể Chúa chiếu qua chúng ta đến toàn thế giới. Nhờ đó chúng ta trở nên hình ảnh của lòng thương xót, chiếu tình yêu và lòng thương xót vào lòng tha nhân. "Các con là ánh sáng thế gian, một thành xây trên đồi cao không thể giấu được. Không ai thắp đèn và để ở đưới đáy thùng, nhưng để trên giá mà soi sáng cả nhà. Hãy tỏa sự sáng của các con ra trước mặt mọi người, để họ thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con trên Trời" (Mt. 5:14-16)

Một cách thức thực hành để sống Thánh Thể đó là cầu nguyện trước Thánh Thể thường xuyên. Đắm chìm trong cầu nguyện, kề bên lòng Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: Có Chúa là có tất cả. Chúa là đủ cho tôi rồi. Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta.

Theo gương Chúa Giê-su, biết bao người đã chìm sâu trong cầu nguyện và tín thác hoàn toàn vào bàn tay nhân ái và hay thương xót của Chúa, khi họ rơi vào trong những hoàn cảnh khổ đau. Qua chính việc cầu nguyện trước Thánh Thể, họ tìm lại được bình an cho cuộc sống. Trong đêm đen của cuộc đời, các bạn đừng quên cầu nguyện, vì trong cầu nguyện chúng ta có cơ may gặp Đấng nhân lành hay thương xót, chúng ta sẽ ung dung đi lại, hít thở và sống khoẻ vào mọi lúc, ban ngày cũng như ban đêm; Có Chúa ở bên và chăm lo, mọi giây phút của cuộc đời chúng ta không còn vướng bận ưu tư cho những giây phút kế tiếp.

Tuy nhiên, đời người luôn lại phải đối diện với ngõ cụt, với những giây phút thê thảm và bất hạnh nhất ? Lúc đó cầu nguyện như thế nào để tìm lại được bình an? Chúng ta có thể học ở Chúa Giê-su, cách Ngài cầu nguyện đêm trước ngày Chúa bị tử nạn trong vườn Giếtsêmani, ngày đen tối nhất cuộc đời Ngài…

Tin Mừng mô tả như sau: Chúa Giê-su đi ra xa khỏi các môn đệ, khoảng một tầm ném đá, và sấp mình xuống đất mà cầu nguyện. ‘Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này khỏi con. Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con’. Và Ngài trở lại, thấy các môn đệ đang say ngủ. Nên Ngài lại đi vào vườn lần nữa, đau đớn cầu nguyện khẩn thiết hơn nữa, và mồ hôi Ngài đổ xuống đất như những giọt máu. Khi chỗi dậy, Ngài về lại với các môn đệ, thấy các ông vẫn ngủ, lòng Ngài đau buồn cùng cực. “Tại sao các con lại ngủ? Hãy dậy và cầu nguyện để đừng sa chước cám dỗ”. Và Ngài đi cầu nguyện lần thứ ba, một thiên thần đến và tăng sức cho Ngài, rồi Ngài đứng dậy mạnh mẽ đối diện với những gì sẽ đến.

Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn Giếtsêmani có thể là lời cầu nguyện mẫu để chúng ta biết cách cầu nguyện khi ở trong cơn khủng hoảng. Vậy Bí Tích Thánh Thể là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta. Nơi đó ta gặp được biển tình thương xót bao la của Chúa.

Tùy Phong,sss

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.